- 4.403 vận động viên (VĐV): Paralympic Tokyo năm nay có số VĐV tham dự ở mức kỷ lục. Họ thuộc 162 đoàn thể thao (từ 161 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng đoàn thể thao người tị nạn). Ngoài ra, 12.000 nhân viên, quan chức và nhà báo cũng sẽ cùng các VĐV tham gia sự kiện kéo dài 13 ngày này.
- 5 “tân binh”: Năm quốc gia lần đầu tiên cử đoàn thể thao góp mặt tại đấu trường Paralympic năm nay là Bhutan, Grenada, Maldives, Paraguay cùng St Vincent và Grenadines.
- 1 ngày: Cũng giống như tại sự kiện liền kề trước đó là Olympic Tokyo 2020, các VĐV Paralympic sẽ được xét nghiệm COVID-19 hằng ngày. Họ cũng không được phép rời Làng vận động viên hoặc ra khỏi các địa điểm thi đấu.
- 2 lần: Thủ đô Tokyo của Nhật Bản là thành phố duy nhất từng đăng cai 2 kỳ Paralympic. Trước đó, tại Paralympic Tokyo 1964, 378 VĐV đã tranh tài ở 6 môn thể thao, tổ chức tại 6 địa điểm thi đấu.
- 22 môn thể thao: Từ bắn cung đến quần vợt xe lăn, các bộ huy chương Paralympic sẽ được trao cho 22 môn thể thao. Trong số này, 2 môn thể thao mới được đưa vào nội dung thi đấu là Taekwondo và cầu lông.
- 539 nội dung thi đấu: Để xác định các nội dung thi đấu, một hệ thống phân loại phức tạp sẽ phân nhóm các VĐV Paralympic tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của khuyết tật đối với thành tích của họ.
- 2 trường hợp “ngoại đạo”: Trong khi hầu hết các môn thể thao đều có nội dung tương tự ở hệ thống thi đấu Olympic, thì vẫn còn 2 môn đặc biệt khác lại, đó là goalball – môn bóng đồng đội dành cho các VĐV khiếm thị và boccia – môn thể thao đối kháng dành cho các VĐV mắc bệnh bại não.
- 10 hạng khuyết tật: Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) đưa ra khoảng 10 hạng khuyết tật dựa trên thể chất, thị lực và trí tuệ để xét duyệt các trường hợp đăng ký dự tranh Paralympic. Trong số này, có 8 hạng khuyết tật liên quan tới thể chất, như suy giảm sức mạnh cơ bắp hoặc không thể tự chủ các cử động do bị bại não hoặc chấn thương tủy sống. Ngoài ra trong danh sách này còn có tình trạng căng cơ, thể hình đặc biệt thấp bé và thiếu một phần hoặc toàn bộ chi – do bẩm sinh, hoặc do tai nạn hay bệnh tật.
- 21 địa điểm: Các địa điểm thi đấu của Paralympic trải dài từ Sân vận động Olympic đến Hội trường võ thuật Nhật Bản Nippon Budokan và các đấu trường mới hiện đại như Trung tâm thể thao dưới nước Tokyo. Hầu hết các địa điểm này đều ở thủ đô Tokyo và các khu vực lân cận. Trong khi đó, các cuộc đua xe đạp sẽ diễn ra tại hai địa điểm gần núi Phú Sĩ ở Shizuoka, phía Tây Nam Tokyo.
Một số địa điểm từng là nơi diễn ra các cuộc thi Olympic sẽ được sử dụng cho các môn thể thao tại Paralympic, như Trung tâm Thể dục Ariake sẽ là nơi tranh tài của môn boccia.
- 88%: Đó là tỷ lệ những người lưu trú tại Làng Vận động viên đã được tiêm chủng ngừa COVID-19, theo thông báo của các nhà tổ chức.
- 4 tỷ người: Cũng giống Olympic Tokyo 2020, Paralympic chủ yếu sẽ được tổ chức tại các sân vận động không có khán giả, do lo ngại tình hình dịch bệnh. Mặc dù vậy, các nhà tổ chức vẫn hy vọng sẽ sự kiện này tiếp cận được một lượng lớn khán giả truyền hình trên toàn thế giới. Chủ tịch IPC – ông Andrew Parsons cho biết: “Chúng tôi tin rằng chúng ta có thể tiếp cận hơn 4 tỷ người thông qua việc truyền phát sóng”.
Theo IPC, số khán giả theo dõi Paralympic 2016 ở Rio (Brazil) trên truyền hình đã đạt con số kỷ lục là 4,1 tỷ người xem, tăng từ 3,8 tỷ khán giả của Paralympic London 2012 (Anh).
- 49 thị trường mới: Năm nay, phạm vi phủ sóng miễn phí sẽ được mở rộng tới 49 vùng lãnh thổ ở châu Phi cận Sahara, nhằm gia tăng lượng khán giả toàn cầu theo dõi Paralympic, qua đó thúc đẩy các nỗ lực nhằm xóa bỏ nạn kỳ thị đối với người khuyết tật.
- 5.000 huy chương: Khoảng 5.000 Huy chương Vàng, Bạc và Đồng đã được sản xuất cho Olympic và Paralympic Tokyo 2020. Trong đó, các huy chương Paralympic có dòng chữ "Tokyo 2020" được in bằng chữ nổi Braille. Toàn bộ số huy chương này được làm từ kim loại tái chế, dựa trên những đồ điện tử tiêu dùng cũ mà người dân Nhật Bản quyên góp.
- 2004: Kể từ Athens 2004 (Hy Lạp), đoàn thể thao Trung Quốc luôn đứng đầu bảng HCV của Paralympic.