Trong tiết trời xuân mát rượi, gần 100 ông đồ đã cùng nhau “xuống phố” trên các tuyến Nguyễn Thị Minh Khai và Phạm Ngọc Thạch (quận 1, TP.HCM). Phố ông đồ đã tạo nên một nét văn hóa cho TP, gợi nhớ trong lòng mọi người niềm nôn nao khó tả khi Tết đến, như trong bài thơ “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên: Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/ Trên phố đông người qua.
Năm nay, phố ông đồ Tết Tân Mão 2011 diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM (mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch) và Cung Văn hóa Lao động (mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai), từ ngày 21/1 - 2/2/2011 (từ 18 - 30 tháng Chạp âm lịch).
Du khách đang thưởng ngoạn những bức liễn, tranh thư pháp tại Cung văn hóa lao động. Ảnh: Hải Yên |
Không chỉ có hình ảnh những chiếc chõng tre, chiếu đỏ, ông đồ già trong chiếc áo the, khăn xếp và guốc mộc cũ kỹ như trong bài thơ của cụ Vũ Đình Liên, mà có cả những ông, bà đồ rất trẻ đang múa bút lông trên giấy dó, gỗ, lụa, laminate, đá… Những “ông”, “bà” đồ trẻ này đều học ở những trường hoặc ngành nghề không liên quan đến nghề... “gõ đầu trẻ”.
Với họ, tất cả là niềm đam mê thư pháp, và mỗi dịp xuân về cũng là lúc họ có cơ hội thể hiện niềm đam mê của mình. Thành Lộc - một “ông đồ” rất trẻ đang múa bút lông vẽ những cành mai trên giấy dó, cho biết: “Đây là năm thứ 4 em tham gia phố ông đồ. Tuy nhiên, để có thể viết thư pháp đẹp, đủ tự tin “bán chữ” cho mọi người, em phải học luyện chữ đến hơn 10 năm...”.
Theo Thành Lộc, mặc dù đang là hướng dẫn viên cho Công ty du lịch Viettravel, nhưng với niềm đam mê thư pháp, Tết này em không tham gia đi tour mà ngồi tại phố ông đồ Cung Văn hóa Lao động để “bán chữ”. Trong khi đó, Minh Toàn - sinh viên năm cuối của trường Xây dựng - TP.HCM cũng cho hay: “Mỗi khi giáp Tết, em rất mong được tham gia phố ông đồ.
Đây là năm thứ 3 em có dịp được ngồi đây “vẽ chữ” cho mọi người”. Ngày xưa, mỗi lần xem ông đồ viết chữ, mọi người lại có dịp thưởng ngoạn ông đồ mài mực. Đây là một nét đẹp không thể thiếu khi viết thư pháp của các ông đồ già. Với các “ông đồ trẻ” ngày nay, công đoạn mài mực được bỏ qua vì họ dùng mực nước nhiều màu sắc khác nhau để viết chữ.
Theo Thành Lộc, dùng mực nước tiện hơn, lại có thể viết chữ trên nhiều loại giấy màu khác nhau, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của khách. Tuy nhiên, nét đẹp của thư pháp không phải chỉ màu mực, mà ở nét chữ. Tài hoa của người viết thể hiện qua từng nét móc câu hay dấu tròn, người chơi chữ phải có cái nhìn tinh tế mới thấy được nét đẹp sau mỗi nét uyển chuyển của con chữ.
Theo những ông đồ già, nét chữ là nét người. Vì thế, để thể hiện được cái hồn của con chữ, người viết phải có chút năng khiếu thẩm mỹ.
Cũng để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách, các ông, bà đồ đã chuẩn bị sẵn một tập tài liệu các câu danh ngôn, thơ, câu đối để khách lựa chọn. Cái khó là các ông, bà đồ phải lắng nghe từng yêu cầu của khách để viết sao cho không chỉ thể hiện được nét đẹp của con chữ mà còn thể hiện được vẻ đẹp của tâm hồn trong mỗi bức thư pháp, làm cho bức thư pháp sinh động hơn, có chiều sâu và gợi nhiều cảm xúc khi thưởng lãm.
Nếu như trước đây, du khách chuộng nhất thư pháp viết trên những bức liễn, tranh giấy dó, mành tre, mành trúc thì thị hiếu hiện nay của khách cũng đã chuyển dần sang thích những chất liệu có tính mới lạ như: Đá, gỗ, đĩa sứ, vỏ trai, vỏ sò...
Cao hơn, khách còn đòi hỏi có sự kết hợp "trong tranh có chữ, hoặc trong chữ có tranh" để tạo thành một bức tranh nghệ thuật hoàn chỉnh treo trong nhà vào những chỗ trang trọng nhất.
Những bức tranh thường là tranh thủy mặc, tranh sơn dầu, tranh thêu... kết hợp viết chữ hoặc thêu chữ theo mẫu thư pháp. Giá các bức liễn, mành tre, mành trúc thư pháp khoảng 50.000 đồng/bức, với những chữ thư pháp được đóng trong khung tranh giá dao động từ 160.000 – 1.000.000 đồng/bức.
Hải Yên