Khép lại năm 2015, năm 2016 đã đến với những thời cơ mới cho toàn ngành thể dục thể thao nước nhà. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao về những dự định của thể thao nước nhà năm 2016.
* Phóng viên: Thưa Tổng cục trưởng, năm 2015 được coi là năm thành công rực rỡ của thể thao Việt Nam trên các đấu trường trong nước, quốc tế, ông có thể chia sẻ rõ hơn về những thành tích này?
* Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng: Năm 2015 có thể khẳng định rằng thể thao Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng trân trọng. Trước hết phải nói đến sự khởi sắc rõ nét của thể thao quần chúng, đánh dấu sự phát triển mới của phong trào này. Đặc biệt, thông qua cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào thể thao quần chúng đã có những chuyển biến tích cực, hầu hết các xã, phường, thị trấn có hội đồng thể dục thể thao, câu lạc bộ hoặc nhà văn hóa thể thao.
Ánh Viên - Cô gái vàng của Thể thao Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Đã có 46% xã, phường, thị trấn có sân chơi, bãi tập thể thao. Phong trào thể dục thể thao trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng đã có bước tiến đáng kể. Khoảng 10.000 câu lạc bộ thể dục thể thao người cao tuổi phát triển mạnh và được duy trì thường xuyên. Thể dục thể thao cho người khuyết tật tiếp tục được đẩy mạnh. Tính đến nay đã có 45/63 tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động thể dục thể thao thường xuyên cho người khuyết tật. Nhiều địa phương đã duy trì và khuyến khích phát triển các cơ sở tư nhân, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể dục thể thao; góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động thể dục thể thao từ các xã, phường, thị trấn đến làng, bản, thôn, ấp, đáp ứng nhu cầu, nguyên vọng của nhân dân.
Thể thao thành tích cao cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các vận động viên Việt Nam đã giành được tổng cộng 475 huy chương Vàng, 355 huy chương Bạc và 321 huy chương Đồng tại các giải thể thao quốc tế trong năm 2015. Đặc biệt, riêng tại đấu trường thế giới, đoàn Thể thao Việt Nam giành được 45 huy chương Vàng, 44 huy chương Bạc và 39 huy chương Đồng. Tại đấu trường khu vực châu Á, Việt Nam giành 68 huy chương Vàng, 74 huy chương Bạc và 61 huy chương Đồng. Còn tại khu vực ASEAN, các vận động viên Việt Nam cũng không chịu thua kém các nước bạn láng giềng, tiếp tục khẳng định vị thế khi giành được 362 huy chương Vàng, 237 huy chương Bạc và 221 huy chương Đồng trong các kỳ thi đấu.
Cùng với đó, rất nhiều vận động viên đạt thành tích cao và nhiều kỷ lục quốc gia đã được phá tại đấu trường Đông Nam Á, điển hình là "kình ngư" Nguyễn Thị Ánh Viên một mình đã giành 8 huy chương Vàng, lập 8 kỷ lục mới tại SEA Games 28. Ngoài ra, nữ vận động viên tuổi trẻ tài cao này đã giành được thêm 6 huy chương Vàng giải vô địch bơi các nhóm tuổi châu Á và 1 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng Cup thế giới. Vận động viên Phan Thị Hà Thanh giành 2 huy chương Vàng nội dung cầu thăng bằng và 1 huy chương Bạc nội dung nhảy chống tại giải thể dục dụng cụ Cup thế giới. Vận động viên Khổng Mỹ Phượng giành 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc hạng 44kg nữ giải vô địch cử tạ trẻ thế giới...
Tuy nhiên, trong năm 2015 thể thao nước nhà vẫn còn có những bất cập cần tiếp tục khắc phục trong những năm tới. Đó là việc đầu tư cho thể dục thể thao hàng năm có tăng nhưng còn thấp so với nhu cầu. Nhiều địa phương không bố trí đủ ngân sách cho ngành thể dục thể thao. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ huấn luyện và tổ chức thi đấu ở cả Trung ương và địa phương còn thiếu, lạc hậu và xuống cấp. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh nhưng chưa đều giữa các vùng, miền. Thành tích thể thao tuy đã có bước phát triển, song chưa vững chắc; trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và phương pháp huấn luyện của đội ngũ huấn luyện viên còn hạn chế, chưa theo kịp với phương pháp huấn luyện hiện đại trên thế giới.
Thêm vào đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ và y học thể thao để nâng cao thành tích cho các vận động viên còn nhiều hạn chế. Chế độ chính sách, tiền thưởng, dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp...
* Phóng viên: Vậy sang năm 2016, thể thao nước ta đặt ra những mục tiêu nào để nâng cao hơn nữa thành tích đã đạt được?
* Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng: Bước sang năm 2016, thể thao Việt Nam đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng. Trong năm 2016, Tổng cục Thể dục thể thao tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Thể dục thể thao và các Nghị định hướng dẫn Luật Thể dục thể thao. Hoàn thiện Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam, Đề án tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2016, toàn ngành cũng sẽ tiến hành sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030. Tiếp tục triển khai chiến lược phát triển Thể dục thể thao Việt Nam năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật Thể dục thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030...
Về thể thao quần chúng, trên đà thành công của cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", ngành sẽ phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các chương trình phát triển thể dục thể thao quần chúng, đẩy mạnh phong trào tập luyện trong tất cả các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, nông dân, lực lượng vũ trang, người cao tuổi, người khuyết tật... Ngành cũng chuẩn bị lực lượng nòng cốt trong các vận động viên người khuyết tật tham dự Paralympic năm 2016 tại Brazil; Giải bơi người khuyết tật châu Âu mở rộng và giải vô địch cử tạ người khuyết tật World Cup...
Đối với thể thao thành tích cao, ngành tập trung trọng tâm vào chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự vòng loại Olympic 2016, Đại hội thể thao trẻ em châu Á lần thứ 6 tại Liên bang Nga và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục, thế giới. Đồng thời, toàn ngành cũng tập trung mọi nguồn lực chuẩn bị lực lượng tham dự và tổ chức Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong năm nay...
Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2016, Tổng cục Thể dục thể thao đã lựa chọn khoảng 45 vận động viên xuất sắc để đầu tư trọng điểm, chuẩn bị các cuộc thi đấu Vòng loại Olympic với mục tiêu đạt từ 15 - 20 vận động viên của 11 đến 14 môn thể thao vượt qua Vòng loại, giành suất chính thức tham dự Thế vận hội và phấn đấu giành được huy chương tại Đại hội lần này. Để chuẩn bị cho mục tiêu quan trọng này, hiện nay Tổng cục Thể dục thể thao đã chủ trương tập huấn các đội tuyển của 16 môn thể thao gồm: Điền kinh, Bơi lội, Cử tạ, Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Đấu kiếm, Taekwondo, Xe đạp đường trường, Bắn cung, Boxing, Judo, Vật tự do, Rowing, Cầu lông, Bóng đá, Bóng bàn. Với những gì đã chuẩn bị, toàn ngành thể thao hy vọng trong năm 2016 và những năm tiếp theo, thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục tỏa sáng và vươn tầm xa hơn từ những bước đi đầu tư cho các vận động viên trọng điểm này...
* Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông!