Năm 2015 khép lại với chuỗi thi đấu thành công của Thể thao Việt Nam tại các giải đấu quốc tế với 457 huy chương Vàng, 355 huy chương Bạc và 321 huy chương Đồng.
"Cô gái vàng” Nguyễn Thị Ánh Viên, vận động viên giành nhiều HCV cá nhân nhất tại SEA Games 28 (8 HCV). Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN |
Trong những kỳ SEA Games gần đây, Đoàn thể thao Việt Nam luôn nằm trong Top 3 trên Bảng tổng sắp huy chương, có nghĩa là ở khu vực Đông Nam Á, năng lực của Thể thao Việt Nam đã được khẳng định. Tuy nhiên, tại một đấu trường đẳng cấp thế giới như Olympic, Thể thao Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc.
Kinh nghiệm rút ra từ SEA Games 26 diễn ra tại Jakarta (Indonesia) năm 2011, Đoàn Thể thao Việt Nam đứng ở Top 3 và xuất sắc giành 96 huy chương Vàng, vượt chỉ tiêu đề ra trước khi lên đường tham gia ngày hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á tới hơn 20 chiếc huy chương Vàng (chỉ tiêu đề ra là 70 - 75 huy chương Vàng).
Nhưng chỉ một năm sau đó, Thể thao Việt Nam tham dự Thế vận hội Olympic London năm 2012 với số lượng vận động viên đông nhất (18 người), nhưng thành tích chưa được như mong muốn, đoàn không giành được bất cứ huy chương nào, dù chỉ là Đồng.
Tại Thế vận hội 2012, Thể thao Việt Nam không vượt lên được chính mình mà còn để thua khá xa một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Xếp sau Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Singapore; trong đó, đoàn Thái Lan đạt thành tích cao nhất với 2 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng. Malaysia và Indonesia mỗi đoàn có được 1 huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng, còn Sinapore giành được 2 huy chương Đồng. Như vậy, có thể thấy sự chênh lệch thành tích, trình độ chuyên môn giữa hai đấu trường SEA Games và Olympic là khá lớn.
Sau 4 năm, một Thế vận hội Olympic nữa sắp đến, với bài học ở London năm 2012, Thể thao Việt Nam đã có sự chuẩn bị chu đáo hơn, triển khai nhiều giải pháp thực hiện chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020 và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030; quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Với những chủ trương đó, Thể thao Việt Nam bước đầu đã thu được những kết quả khả quan, có một lớp thế hệ trẻ đầy tài năng, có thành tích ấn tượng ở các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Điển hình là vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên đã giành 8 huy chương Vàng, lập 8 kỷ lục mới tại SEA Games 28.
Ngoài ra, kinh ngư số 1 Việt Nam còn giành được thêm 6 huy chương Vàng giải vô địch bơi các nhóm tuổi châu Á và 1 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng Cup thế giới. Vận động viên Phan Thị Hà Thanh giành 2 huy chương Vàng nội dung cầu thăng bằng và 1 huy chương Bạc nội dung nhảy chống tại giải thể dục dụng cụ Cup thế giới diễn ra tại Qatar và Bulgaria. Vận động viên Khổng Mỹ Phượng giành 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc hạng 44kg nữ giải vô địch cử tạ trẻ thế giới...
Ngoài những gương mặt trẻ, chúng ta còn có những gương mặt cũ đã đạt được thành tích đáng nể như: Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng, từng giành huy chương Vàng cấp độ thế giới trong năm 2013, khi thắng vận động viên mạnh nhất châu lục Lương Trí Vỹ.
Mới đây, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã góp thêm 2 huy chương Đồng trong danh sách huy chương cho bắn súng Việt Nam tại Cup thế giới năm 2015. Vận động viên cử tạ Thạch Kim Tuấn giành được 1 huy chương Đồng tại giải vô địch cử tạ thế giới...
Tại hội nghị triển khai công tác năm 2016 của Tổng cục Thể dục thể thao, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn khẳng định: Căn cứ vào nội dung các môn thi đấu tại Olympic 2016, trình độ của vận động viên thể thao Việt Nam, Tổng cục Thể dục thể thao đã lựa chọn khoảng 45 vận động viên xuất sắc đầu tư trọng điểm, chuẩn bị các cuộc thi đấu Vòng loại Olympic với mục tiêu đạt từ 15 - 20 vận động viên của 11 đến 14 môn thể thao vượt qua Vòng loại, giành suất chính thức tham dự Thế vận hội này. Quan trọng là Thể thao Việt Nam quyết tâm giành được huy chương tại Đại hội lần này.
Theo kế hoạch tham dự vòng loại Olympic, Tổng cục Thể dục thể thao đã tập huấn các đội tuyển của 16 môn thể thao gồm: Điền kinh, Bơi lội, Cử tạ, Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Đấu kiếm, Taekwondo, Xe đạp đường trường, Bắn cung, Boxing, Judo, Vật tự do, Rowing, Cầu lông, Bóng đá, Bóng bàn.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Tổng cục Thể dục thể thao cũng đã gửi nhiều vận động viên đi tập huấn ở một số nước có nền thể thao phát triển (Mỹ, Cu Ba, Hy Lạp…) có múi giờ và điều kiện thời tiết tương tự với Brazil (nước tổ chức Olympic 2016), nhằm giúp các vận động viên có được sự chuẩn bị tốt nhất về chuyên môn và thể lực. Tổng cục cũng tập trung các nguồn lực tài chính, dinh dưỡng, trang thiết bị dụng cụ, chăm sóc y học và các điều kiện cần thiết khác cho các vận động viên tham dự vòng loại đạt chuẩn và tham dự Olympic 2016...
Đại hội Olympic 2016 sẽ diễn ra từ 5-21/8 tại Rio de Janeiro-Brazil, bao gồm 42 phân môn của 28 môn thể thao với 321 nội dung thi đấu. Đại hội này quy tụ hơn 13.000 vận động viên xuất sắc nhất của hơn 206 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới tham gia tranh tài.