Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng - Tổng cục Thể dục thể thao Vũ Trọng Lợi: Quản lý nhà nước về lĩnh vực thể dục thể thao quần chúng trong cả nước đã có bước tiến vững chắc, sâu rộng. Chỉ tính riêng năm 2015, cả nước có khoảng 28,3% dân số thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Trong đó có hoảng 20,1% số gia đình tập luyện thường xuyên; 100% số trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất chính khóa; 71% số trường thường xuyên hoạt động thể thao ngoại khóa.
Phong trào văn nghệ và thể thao quần chúng đặc biệt sôi nổi ở thôn Hùng Thắng, xã Minh Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương). |
Hầu hết các xã, phường, thị trấn đều có Hội đồng Thể dục thể thao, câu lạc bộ hoặc nhà văn hóa thể thao; khoảng 46% xã, phường, thị trấn có sân chơi, bãi tập. Thể dục thể thao quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có những bước tiến đáng kể. Phong trào thể dục thể thao ở người cao tuổi phát triển mạnh và được duy trì thường xuyên với khoảng 10.000 câu lạc bộ...
Sóc Trăng là một ví dụ điển hình của phong trào thể thao quần chúng. Chỉ riêng trong năm 2015, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Sóc Trăng đã chủ động ký kết với các ban ngành, doanh nghiệp tổ chức vận động, hướng dẫn phát triển thể dục thể thao quần chúng với những bước vững chắc, ổn định và có chiều sâu. Phong trào tập luyện thể dục thể thao được người dân duy trì tập luyện thường xuyên ở mọi lứa tuổi. Chính vì vậy, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên toàn tỉnh tiếp tục tăng. Các trường học đều bảo đảm thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất. Các địa phương đã đặc biệt quan tâm tới việc phát triển, bảo tồn các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian như: Đua thuyền rồng, Bi sắt, Đẩy gậy, Lân - Sư - Rồng, đua ghe Ngo, võ cổ truyền, Vovinam… Bên cạnh đó, một số địa phương có điều kiện đã quan tâm phát triển một số môn thể thao giải trí mới như: Nhảy hiện đại, nhào lộn vượt địa hình, khiêu vũ, Aerobic…
Phong trào luyện tập thể dục thể thao ở người khuyết tật ngày càng được mở rộng. Nhờ vậy, ngành thể dục thể thao luôn đảm bảo quân số vận động viên khuyết tật tham dự các giải đấu trong nước và quốc tế. Năm 2015, Đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công. Tại ASEAN Para Games 8, đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam đã xuất sắc đạt 48 huy chương Vàng, 58 huy chương Bạc, 50 huy chương Đồng, xếp thứ 4/10 nước tham dự. Tại giải Vô địch Bơi lội Người khuyết tật thế giới, Đoàn cũng đã mang về 1 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng, phá 2 kỷ lục châu Á…
Việc đưa thể dục thể thao đến với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng được quan tâm thông qua các hoạt động tại cơ sở như: Giải Bóng đá trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt "Giấc mơ sân cỏ", "Ngày hội Bóng đá FFAV"… Đồng thời, phong trào thể dục thể thao cũng đã được triển khai sâu rộng đến làng, thôn, bản, ấp của đồng bào các vùng dân tộc thiểu số... Con em đồng bào các dân tộc có năng khiếu được đầu tư để tạo lực lượng nòng cốt hình thành các câu lạc bộ cơ sở. Các môn tập luyện và thi đấu thể thao của đồng bào dân tộc ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, hấp dẫn như: Bóng chuyền, bóng đá, võ cổ truyền, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tó má lẹ, đánh quay…
Gần 7.000 người từ nhiều độ tuổi, ngành nghề, quốc tịch tham gia Giải chạy việt dã TP.Hồ Chí Minh - Taiwan Excellence 2016. |
Trong năm 2016, Vụ Thể dục thể thao Quần chúng - Tổng cục Thể dục thể thao quyết tâm tạo sự chuyển biến đồng bộ trong phát triển thể dục thể thao cho mọi người; chú trọng và đổi mới căn bản công tác thể dục thể thao trong trường học, lực lượng vũ trang... phục vụ nhu cầu tập luyện, thi đấu và vui chơi giải trí của mọi người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo.
Để thực hiện tốt những mục tiêu đề ra, Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao Quần chúng - Tổng cục thể dục thể thao Vũ Trọng Lợi khẳng định: Ngay từ đầu năm 2016, Vụ chủ trương chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, lực lượng vũ trang tăng cường quản lý nhà nước về thể dục thể thao đối với giáo dục thể chất bắt buộc; đồng thời tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia để phát triển thể thao cho mọi người.
Theo đó, ngành thể dục thể thao đề ra chỉ tiêu cả nước sẽ đạt 29% số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; 21% số gia đình tập luyện thể thao; duy trì và phát triển câu lạc bộ thể thao lên 53.000 câu lạc bộ;... Năm 2016, ngành sẽ tiếp tục tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; khuyến khích phát triển thể dục thể thao đối với các đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hướng dẫn viên thể dục thể thao quần chúng; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cộng tác viên cấp thôn, xã.
Vụ Thể dục thể thao Quần chúng sẽ đưa các trò chơi vận động trong các lễ hội truyền thống hàng năm của đồng bào dân tộc thiểu số thành một nội dung của nhiệm vụ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam; lựa chọn một số trò chơi vận động dân gian để đưa vào thi đấu trong hệ thống quốc gia. Ngành cũng tiếp tục quan tâm đến thể thao cho người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật có cơ hội tiếp cận dịch vụ về thể dục thể thao, tăng cường hợp tác quốc tế về thể thao cho mọi người để tiếp cận với nền thể dục thể thao tiên tiến, góp phần phát triển thể chất, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; đẩy mạnh phổ biến các môn thể thao của dân tộc Việt Nam ra nước ngoài...