Điền kinh thế giới bao giờ hết doping?

Bóng ma doping vẫn luôn bủa vây làng điền kinh thế giới. Mới đây, điền kinh Bắc Mỹ lại bị rúng động bởi scandal sử dụng chất kích thích của các ngôi sao hàng đầu, trong đó có các nhà vô địch Tyson Gay của Mỹ và Asafa Powell đến từ Giamaica.


Tyson Gay - Tương lai mờ mịt


Ngày 14/7 vừa qua, nhà cựu vô địch thế giới cự ly 100 m và 200 m người Mỹ, Tyson Gay, đã thừa nhận rằng kết quả xét nghiệm mẫu A của anh trong một buổi thử doping hồi tháng 5 đã cho kết quả dương tính. Cơ quan phòng chống doping của Mỹ (USADA) đã thông báo tin này với Gay trước đó 2 ngày và chính anh cũng không biết đó là loại chất cấm gì. Dù sao, Gay đã buộc phải rút khỏi giải Diamond League tại Monaco, cũng như giải vô địch thế giới ở Mátxcơva (Nga) vào tháng 8.


Sự nghiệp của Tyson Gay đang lâm vào ngõ cụt.

Trớ trêu thay, Gay vốn lại là một gương mặt đại diện cho chương trình “Chiến thắng của tôi hoàn toàn trong sạch” của USADA, nhằm nâng cao nhận thức của giới thể thao Mỹ về tính công bằng trong thi đấu. Cho tới nay, chưa có thông báo gì từ phía USADA về án phạt dành cho người đàn ông nhanh thứ hai hành tinh, nhưng người ta lo ngại một bản án giống như lệnh cấm thi đấu 4 năm đối với Justin Gatlin, sẽ ập đến với Gay.


Nếu quả thực như vậy, sự nghiệp huy hoàng của Gay coi như đã chấm dứt, vì anh hiện đã 30 tuổi và khó có thể duy trì thể trạng tốt sau vài năm nữa. Trong 20 năm qua, chưa từng có VĐV điền kinh ngoài 30 tuổi có thể vô địch thế giới hay Olympic.


Asafa Powell - Nỗi buồn Giamaica


Kỷ lục gia cự ly 100 m người Giamaica, Asafa Powell, cũng là 1 trong số 6 VĐV có kết quả dương tính với chất cấm Oxilofrine trong một đợt kiểm tra doping mới đây. Powell lý giải, anh hoàn toàn không biết rằng một trong những sản phẩm mà mình sử dụng lại có chứa thành phần này. Giống như phần đông các VĐV khác, Powell tuyên bố mình không cố ý gian lận và đã yêu cầu xét nghiệm mẫu B. Anh phản biện rằng trách nhiệm này phải thuộc về vị bác sĩ vật lý trị liệu của mình, Chris Xuereb. Họ mới làm việc với nhau được 2 tháng và trong khoảng thời gian này, Xuereb đã cho Powell dùng những thứ thuốc mà anh tin là sản phẩm “hữu cơ” an toàn.


Asafa Powell là một vết nhơ của điền kinh Giamaica.

Không bất ngờ khi bác sĩ Chris Xuereb ngay lập tức bác bỏ trách nhiệm của mình, tuyên bố Powell và cả Sheron Simpson, người cũng bị xét nghiệm dương tính, không nên lấy ông làm kẻ giơ đầu chịu báng. Như xát muối thêm vào nỗi đau, chỉ 3 ngày sau khi có kết quả, Powell cũng đã bị nhà tài trợ trang phục Li Ning cắt hợp đồng. Thất vọng hơn, đây là kết quả dương tính đầu tiên của anh sau hơn 100 lần xét nghiệm.


Những scandal doping lịch sử


Bê bối lớn nhất trong lịch sử điền kinh thế giới phải kể đến Ben Johnson. VĐV người Canađa bị tước danh hiệu vô địch tại Olympic Xơun 1988, sau khi sử dụng stanozolol. Với thành tích 9,79 giây, Johnson đã lập kỷ lục thế giới mới và đoạt huy chương vàng ở nội dung chạy 100m mùa hè năm đó. Nhưng với kết quả dương tính khi kiểm tra doping 3 ngày sau, anh đã phải trao lại HCV cho người về đích thứ nhì, Carl Lewis.

 

Điền kinh, cũng giống như đua xe đạp, là một môn thể thao luôn gắn với doping trong hàng chục năm qua. Do vô tình không để ý đến danh sách các chất cấm hay cố ý muốn cải thiện thành tích, vô số VĐV đã phạm sai lầm và đưa họ tới những chiếc huy chương giả dối. Vụ việc của Tyson Gay hay Asafa Powell một lần nữa lại cho thấy rằng bóng ma doping dường như vẫn chưa có dấu hiệu biến mất.

Johnson và huấn luyện viên của anh thừa nhận rằng, họ buộc phải sử dụng chất kích thích mới có thể cạnh tranh được với rất nhiều đối thủ hàng đầu khác cũng đang gian lận.
Trong giới VĐV nữ, Marion Jones được nhắc đến như một vụ lừa dối đáng hổ thẹn nhất liên quan đến doping. Vào năm 2007, “nữ hoàng điền kinh” người Mỹ đã thú nhận rằng, cô đã sử dụng nhiều loại chất kích thích khác nhau ngay từ trước Olympic Sydney 2000, giải đấu cô đã giành đến 5 chức vô địch. Ủy ban Olympic quốc tế đã tước đi của Jones cả 5 chiếc HCV đó. Không những thế, cô còn bị tuyên phạt tù 6 tháng vào đầu năm 2008, do không thành thật với các nhà điều tra.


Người sẽ thay thế Gay trên đường chạy 100 m tại Nga sắp tới, Gatlin, trước đây đã 2 lần bị phát hiện sử dụng doping và bị cấm thi đấu đến 4 năm, từ năm 2006. Bản án này đã xóa bỏ thành tích 9,77 giây ở cự ly 100 m của anh, vốn là kỷ lục thế giới vào thời điểm đó. Gatlin khi đó là ngôi sao trẻ sáng giá nhất nước Mỹ và cùng với Powell tạo nên những cuộc cạnh tranh khốc liệt. Năm 2010, anh đã trở lại đường đua và giành huy chương đồng tại Olympic Luân Đôn 2012.


Trần Anh

“Tia chớp” Usain Bolt nói về doping
“Tia chớp” Usain Bolt nói về doping

Hai tuần trước giải điền kinh vô địch thế giới tại Mátxcơva (Nga), ngày 26/7, ngôi sao Usain Bolt đã trả lời thẳng về vấn đề doping, trong một cuộc họp báo tại Luân Đôn (Anh).

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN