Cơ hội cho điền kinh Việt Nam đến Olympic 2016

Điền kinh vốn được kỳ vọng lớn, nhất là sau khi đội tuyển quốc gia gây tiếng vang lớn ở đấu trường SEA Games hồi tháng 6 năm ngoái.

Một lứa vận động viên (VĐV) tài năng mới xuất hiện như Lê Trọng Hinh và Quách Công Lịch ở các cự ly ngắn nam; “bộ tứ” giàu triển vọng Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan, Lưu Kim Phụng ở nội dung 400m và 400m rào; hay Bùi Thị Thu Thảo ở nội dung nhảy xa nữ… nhưng đến thời điểm này, chưa có ai trong số họ biến giấc mơ dự Olympic bằng vé chính thức thành hiện thực.

Điền kinh Việt Nam vẫn đang hy vọng vào Nguyễn Thị Huyền. Tuy nhiên, do chấn thương thường xuyên và ít tham gia các giải đấu nên đến thời điểm này, Nguyễn Thị Huyền đang đối diện với nguy cơ bị mất suất, nhất là sau khi Liên đoàn Điền kinh thế giới thay đổi thể thức lựa chọn VĐV đến Olympic Rio 2016 dựa trên thành tích chứ không phải đã đạt chuẩn. Xét về thành tích, Nguyễn Thị Huyền đang nằm ngoài danh sách các VĐV dự Olympic ở các nội dung 400 m và 400m rào. Theo luật IAAF ban hành tháng 8/2015, nhóm nội dung 400m nữ mà Nguyễn Thị Huyền tham gia sẽ có 48 VĐV, còn 400m rào là 40 VĐV. Nhìn vào bảng xếp hạng hiện tại của IAAF, Nguyễn Thị Huyền đang xếp thứ 77 ở nội dung 400m và thứ 52 nội dung 400m rào. IAAF sẽ xét số lượng của từng nhóm nội dung và chốt danh sách vào ngày 12/7 tới đây.

Đến thời điểm này, điền kinh mới chỉ có Nguyễn Thành Ngưng được dự Olympic 2016. Ảnh: TT&VH

Ở những kỳ Olympic trước, chuẩn Olympic được chia thành 2 loại A và B. Theo đó, chuẩn A chắc chắn sẽ được tham dự Olympic nhưng chuẩn B thì phải chờ xét tùy vào số quota của từng nhóm nội dung và sẽ xét từ trên xuống dưới. Nhưng Olympic 2016, môn điền kinh chỉ có 1 loại chuẩn duy nhất chứ không phân loại A, B và việc đạt được chuẩn không phải nghiễm nhiên là được đi Olympic. IAAF bỏ khái niệm chuẩn B, bởi mặt hạn chế của việc này là phải sát đến thời điểm Olympic. Những VĐV có thành tích tiệm cận với chuẩn mới biết được mình có chắc chắn được dự Olympic hay không, sau khi các giải đấu tiền Olympic kết thúc. Trường hợp của VĐV Nguyễn Thị Huyền, trong khi ở một số môn khác, như môn bơi thì vẫn có chuẩn A và chuẩn B nhưng kèm theo đó sẽ là những cuộc thi vòng sơ loại tại Olympic.

Mới đây, dù giành HCV cự ly 20km đi bộ nữ ở giải điền kinh Singapore mở rộng 2016, nhưng Nguyễn Thị Thanh Phúc chưa đạt được mục tiêu là lấy vé dự Olympic 2016. Thành tích không được khả quan của “nữ hoàng đi bộ” này là do cô mới bình phục chấn thương. Nhưng nguyên nhân chính là do giải đấu vừa rồi, cự ly của Phúc không tính chuẩn Olympic do không đủ VĐV của 4 quốc gia dự tranh, đồng thời cũng không có trọng tài quốc tế tham gia điều hành (vì đây là quy định bắt buộc).

Vấn đề sức khỏe của Thanh Phúc cũng giống như trường hợp VĐV Nguyễn Thị Oanh bước vào thi đấu các cự ly ngắn do đầu gối bị đau và sự chuẩn bị chưa được kỹ lưỡng. Cả hai đã cho thấy sự nỗ lực hết mình, nhưng vì vấn đề thể lực nên đã khiến nhiều người thất vọng.

Đích ngắm của Thanh Phúc tới đây là giải đi bộ ở giải châu Âu để hoàn thành chỉ tiêu, qua đó sánh bước cùng cậu em trai Nguyễn Thành Ngưng (đã giành vé chính thức) đến với ngày hội lớn Rio de Janeiro 2016. Thanh Phúc đã sẵn sàng cho cuộc đua để nỗ lực cụ thể hóa giấc mơ Olympic cho thể thao Việt Nam.

Việc Liên đoàn Điền kinh châu Á quyết định không tổ chức giải điền kinh Grand Prix châu Á 3 chặng, giải đấu có tính chuẩn Olympic, hồi đầu tháng 5 vừa qua, điền kinh Việt Nam cũng mất đi cơ hội có thêm những suất tham dự Olympic Rio 2016. Đây chính là giải đấu “bản lề” mà điền kinh Việt Nam đặt quyết tâm và tính toán điểm rơi phong độ cho các VĐV.

Ở mỗi môn thi khác nhau, có những cách để tính chuẩn Olympic khác nhau. Nhưng xét tổng thể thì có 3 cách cơ bản:

1.Xét thành tích ở các giải đấu chính thức cấp châu lục và thế giới. (Chuẩn A: Là những VĐV đã đạt hoặc vượt thành tích theo quy định và chắc chắn được góp mặt ở các cuộc thi chính thức tại Olympic; chuẩn B: Dành cho những VĐV đạt thành tích nằm trong ngưỡng được phép tham dự các cuộc thi vòng loại của Olympic hoặc trong diện chờ để tiếp tục xét từ cao xuống thấp đến khi đủ số lượng VĐV tham dự ở môn hoặc nội dung đó).

2.Thi đấu vòng loại (thường áp dụng với các môn bóng).

3.Xét đặc cách (thường chỉ giành cho những quốc gia có quá ít VĐV đủ điều kiện tham dự).



L.S
Nguyễn Tiến Minh giành vé dự Olympic 2016
Nguyễn Tiến Minh giành vé dự Olympic 2016

Tay vợt nam số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh (ảnh) đã giành vé tham dự Thế vận hội tại Brazil tới đây, qua đó đi vào lịch sử thể thao Việt Nam khi trở thành vận động viên Việt Nam đầu tiên tham dự 3 kỳ Olympic liên tiếp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN