Chiến lược phát triển Bóng đá Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030” : Vì mục tiêu lớn trong tương lai

Dự thảo Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020 tầm nhìn 2030 vừa được Tổng cục TDTT và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hoàn thành và đang lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, các chuyên gia… để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Từ những con số…

Theo dự thảo, mục tiêu cụ thể đối với đội tuyển quốc gia (ĐTQG) nam, nữ và U23 là phải vô địch khu vực Đông Nam Á từ 2 đến 3 lần, lọt vào top 10-12 của châu Á (với ĐTQG nam) và top 6-7 châu Á (với ĐTQG nữ). Đây được đánh giá là chỉ tiêu không dễ để giành được, trong bối cảnh các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Xinhgapo, Malaixia cũng đã hướng tới những mục tiêu lớn tầm châu lục, chưa kể tới những quốc gia đã có nền bóng đá phát triển ở châu Á cũng đang ngày càng vươn lên theo hướng tăng dần tính chuyên nghiệp. Chính vì thế, để đạt được mục tiêu trên, rất cần sự quyết tâm rất lớn và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của nhiều bộ, ban, ngành… Ở cấp câu lạc bộ, tiếp tục hướng tới xây dựng bóng đá chuyên nghiệp hóa, các câu lạc bộ vững mạnh về tài chính và chuyên môn.

Nâng cao chất lượng giải vô địch quốc gia là một trong những mục tiêu của chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020.

Theo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, những quan điểm, mục tiêu và các giải pháp để phát triển bóng đá Việt Nam được đề cập trong dự thảo là phù hợp với quan điểm, đường lối thể dục thể thao của Đảng, góp phần xây dựng nhân lực theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Chiến lược cũng xác định rõ trách nhiệm đầu tư của Nhà nước cho bóng đá cần chiếm tỷ trọng chính, bên cạnh đó tiếp tục chủ trương xã hội hóa, tăng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước, tăng cường đầu tư có chiều sâu vào các ĐTQG và các tuyến đào tạo trẻ. Về bóng đá phong trào, chân đế của mọi nền bóng đá, Chiến lược phát triển BĐVN cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể. Theo đó, năm 2015, Việt Nam có 4.500 CLB, năm 2020 có 7.500 CLB. Liên quan đến bóng đá trẻ, bản Chiến lược đặt mục tiêu: Số lượng VĐV trẻ từ lứa tuổi U11-U18 có năng khiếu tốt được đào tạo tập trung tính trung bình hàng năm: Từ năm 2011-2015 là 4.000 VĐV; từ năm 2016-2020 là 4.500 VĐV. Số lượng VĐV trẻ từ 14-18 tuổi tập trung ở tuyến trung ương dưới sự huấn luyện của chuyên gia nước ngoài khoảng 400 VĐV mỗi năm; số lượng VĐV trẻ tập huấn ở nước ngoài hàng năm từ 24 đến 48 VĐV.

Theo dự thảo, chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam tới năm 2020 cũng hướng tới mục tiêu tạo ra môi trường thuận lợi, lành mạnh để phát triển công tác đào tạo trẻ, phát triển bóng đá học đường, bóng đá phong trào, đổi mới công tác quản lý quản lý kinh doanh bóng đá, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các giải đấu quốc gia… Bên cạnh đó, VFF đã đưa vào chiến lược phát triển những vấn đề mang tính thời sự, như việc hợp pháp hóa cá cược thể thao, tổ chức xổ số bóng đá. Cụ thể, nguồn thu ngoài ngân sách trung bình, theo tính toán sẽ tăng từ 100 tỷ đồng/năm lên tối thiểu 130 tỷ đồng/năm (đến năm 2015) và 140 tỷ đồng/năm lên tối thiểu 180 tỷ đồng/năm (đến năm 2020) nếu có xổ số bóng đá.

… Đến nhiệm vụ và giải pháp

Để hoàn thành những mục tiêu đặt ra, đòi hỏi phải xây dựng được một nền móng vững chắc, thông qua việc hoàn thành những nhiệm vụ mang tính căn bản. Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên mà BĐVN phải làm là nâng cao chất lượng các ĐTQG nam và nữ. Điều này được thể hiện qua việc xây dựng, tiến tới định hình hệ thống chiến thuật, phong cách, lối chơi hiện đại cho các ĐTQG, phù hợp với đặc điểm thể lực và tố chất nhanh nhẹn, khéo léo của VĐV Việt Nam.

Nhiệm vụ thứ hai là phát triển bóng đá chuyên nghiệp theo hướng từng bước mở rộng về số lượng và nâng cao chất lượng các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Đồng thời, phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và các quy định liên quan đến bóng đá chuyên nghiệp cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn… Nhiệm vụ thứ ba là nâng cao chất lượng giải bóng đá vô địch quốc gia và các giải khác trong hệ thống thi đấu quốc gia.

Nhiệm vụ thứ tư là quy hoạch đào tạo VĐV năng khiếu, VĐV bóng đá trẻ. Đây là một trong những nhiệm vụ then chốt mà BĐVN cần phải hoàn thành để có được đội ngũ kế cận hùng hậu, chuyên môn tốt, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày một cao của nền bóng đá.

Nhiệm vụ thứ năm là phát triển bóng đá phong trào. Bóng đá phong trào sẽ tạo ra chân đế vững chắc cho nền bóng đá, tạo nguồn cung cầu thủ cho bóng đá đỉnh cao. Thế nên, thời gian tới, BĐVN phải tập trung triển khai dự án Phát triển bóng đá học đường là dự án thành phần của Đề án “Nâng cao thể lực và tầm vóc con người Việt Nam bằng giải pháp dinh dưỡng và thể dục thể thao”. Để có được nền bóng đá chuyên nghiệp, hiện đại, phải có những con người của bóng đá với trình độ chuyên môn cao. Đó là nhiệm vụ thứ sáu mà BĐVN cần hoàn thành trong giai đoạn sắp tới. Theo đó, phải đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động bóng đá.

Nhiệm vụ thứ bảy là phát triển mạng lưới cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo, tổ chức thi đấu bóng đá thành tích cao và phát triển bóng đá phong trào. Đây là một nhiệm vụ bức thiết và khó khăn, bởi chi phí đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển bóng đá rất lớn. Để hoàn thành nhiệm vụ này đòi hỏi phải kết hợp được nhiều nguồn lực: Đầu tư của nhà nước với đầu tư của doanh nghiệp, tổ chức xã hội, CLB và đóng góp của nhân dân.

Một số giải pháp nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam, đó là đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý về bóng đá; Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phát triển bóng đá trong môi trường chuyên nghiệp và lành mạnh; kiên quyết phòng, chống tiêu cực trong bóng đá; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao trong công tác huấn luyện và tổ chức thi đấu bóng đá; Tăng cường hoạt động hợp tác, hội nhập với bóng đá quốc tế…

Yến Nhi

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN