Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp Hội đồng SEAGF vào ngày 4/5, diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Du lịch kiêm Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia của Campuchia (NOCC) Thong Khon, với sự tham gia của Ủy ban Olympic các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Phát biểu tại họp báo sau cuộc họp, Tổng Thư ký NOCC Vath Chamroeun cho biết, các quốc gia thành viên ASEAN đã đạt được sự thống nhất trên nhằm đáp lại những nỗ lực của Campuchia trong việc tổ chức một cách chu đáo SEA Games 32 và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 (ASEAN Para Games 12) trong năm 2023, thu hút sự quan tâm của thế giới.
Kun Bokator cũng là môn võ thế mạnh truyền thống của chủ nhà Campuchia, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 29/11/2022.
Tại SEA Games 32, Campuchia tổ chức 32 nội dung của môn võ trên (16 nội dung thi đấu đối kháng đồng đội, 9 nội dung thi đấu đối kháng cá nhân và 7 nội dung biểu diễn cá nhân, đồng đội). Đội tuyển Kun Bokator Việt Nam cạnh tranh với các đối thủ gồm chủ nhà Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Indonesia.
Đối với môn Kun Khmer, mỗi trận đấu gồm 5 hiệp, mỗi hiệp kéo dài 3 phút. Theo quy định, võ sĩ không được tấn công khi đối thủ gục dưới sàn, không cắn, đánh vào gáy hoặc hạ bộ, cũng không được nắm dây đai và trọng tài sẽ yêu cầu trận đấu kết thúc nếu một võ sĩ không còn khả năng thi đấu. Môn Kun Khmer tại SEA Games 32 có 7 đội tuyển tranh tài, giành 19 bộ huy chương, trong đó có đội tuyển Việt Nam.
SEA Games 32 khai mạc vào ngày 5/5 và bế mạc vào ngày 17/5. Trên 9.000 thành viên thuộc 11 đoàn thể thao sẽ tham gia tranh tài tại 586 nội dung thi đấu thuộc 37 bộ môn thể thao, diễn ra tại thủ đô Phnom Penh và 4 địa phương khác gồm Siem Reap, Preah Sihanouk, Kampot và Kep.