Sai sót nằm ở chuyên môn
V-League 2022 sau 6 vòng đấu đã bắt đầu xuất hiện những sai sót trong công tác trọng tài. Trên cương vị Trưởng ban Trọng tài, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Công tác trọng tài không phải ở Việt Nam mà cả quốc tế bao giờ cũng có những điều được và chưa được. Quốc tế bây giờ người ta may mắn có VAR, do đó những lỗi gây ảnh hưởng đến kết quả trận đấu, bàn thắng bàn thua, việt vị hay penalty… thì người ta được VAR hỗ trợ rất tốt còn chúng ta không có. Chính vì thế vẫn còn những sai sót trong công tác điều hành trận đấu của đội ngũ trọng tài.
Tuy nhiên, qua 6 vòng đấu vừa rồi của V-League 2022, nhìn chung tôi thấy anh em trọng tài đã cố gắng làm tốt về chuyên môn. Bản thân Ban trọng tài luôn luôn cho anh em tập huấn, họp mổ xẻ, rút kinh nghiệm những sai sót đã qua để cho đội ngũ trọng tài làm tốt hơn công việc của mình.
Những sai sót như thế hoàn toàn nằm ở góc độ chuyên môn chứ không phải tư tưởng, đạo đức như những chỉ trích, thưa ông?
Tôi thừa nhận thực tế ở những vòng đấu vừa qua đã có sai sót của trọng tài, những sai sót khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định những sai sót đó ở lỗi chuyên môn (góc nhìn, nhận định…) chứ không hề xuất phát từ đạo đức, tư tưởng.
Từ đầu giải đến bây giờ, ở những tình huống mắc sai sót đều do nhận định chuyên môn, con người thôi chứ không có vấn đề gì về tư tưởng. Có những tình huống xảy ra trên sân chỉ có VAR mới phát hiện chứ anh em khó phát hiện được. Ví dụ có tình huống nhìn qua băng hình ở các góc quay khác nhau mới thấy rõ được. Nhiều góc quay sau khung thành mới thấy, trong khi hướng trọng tài di chuyển không thể thấy được. Trọng tài đứng trên chứ ai đứng sau khung thành đâu.
Chẳng hạn tình huống Nguyễn Xuân Nam (Bình Định) dùng tay đưa bóng vào lưới Sài Gòn FCđược ví như pha bóng của Maradona trước đây. Trong tình huống này, có rất nhiều cầu thủ nhảy lên tranh chấp còn tay của Nguyễn Xuân Nam vung lên rất kín, khó để trọng tài phát hiện. Pha bóng này khó, chỉ có VAR mới giúp đỡ trọng tài. Ngay cả giải U19 Đông Nam Á, cầu thủ U19 Campuchia ghi bàn rõ vào lưới U19 Lào nhưng trọng tài không phát hiện được.
Tuy vậy, vẫn có sai sót nghiêm trọng như tình huống của trợ lý Ngô Quốc Toản ở sân Hàng Đẫy giữa Viettel và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vừa rồi.Chuyên môn của trợ lý trọng tài không tốt, đôi lúc mất tập trung nhưng đó không phải là lý do để bào chữa. Rõ ràng, vị trí đứng của trợ lý Ngô Quốc Toản quá rõ ràng, góc quan sát tốt mà lại mắc sai lầm đến thế. Ban trọng tài đã kỷ luật trợ lý Toản với sai sót đó.
Với thực tế như vậy, Ban trọng tài đã và sẽ có những giải pháp gì để công tác trọng tài ngày một tốt lên, nhất là khi giải đấu bước vào giai đoạn căng thẳng?
Không phải bây giờ mà ở bất cứ mùa giải nào Ban trọng tài cũng luôn nhắc nhở anh em. Nếu các bạn thật sự đam mê, gắn bó với cái nghề này phải xác định nó rất vất vả, chịu nhiều điều tiếng thị phi. Vì thế, các bạn phải luôn cố gắng rèn luyện về chuyên môn, thể lực.
Tâm lý của đội ngũ trọng tài cực kỳ quan trọng. Như sân Thanh Hóa, trọng tài làm đúng những phải chịu những chỉ trích, an ninh phải bảo vệ rồi CLB gửi thư cho ban tổ chức. Tôi cho rằng đội ngũ trọng tài sẽ chịu ảnh hưởng về tâm lý với những câu chuyện như thế. Tôi luôn muốn chất lượng của đội ngũ trọng tài ngày càng tốt lên nhưng cũng mong muốn cung cách ứng xử của tất cả các bên cũng phải văn minh, chuyên nghiệp.
Khi trọng tài mắc những sai sót về chuyên môn, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, không bao che. Tôi cũng xin nói thật và cũng đã phát biểu trong cuộc họp của Ban chấp hành VFF vừa rồi nếu các anh phát hiện có trọng tài nào tiêu cực, có vấn đề tư tưởng, đạo đức thì chúng tôi sẽ mạnh tay loại luôn. Trong Ban chấp hành VFF hiện nay có 7 - 8 Ủy viên là lãnh đạo đội bóng nên các anh cũng rất hiểu điều này. Tiêu chí xuyên suốt của Ban trọng tài là đạo đức trọng tài đặt lên hàng đầu.
“Mong lắm VAR ơi…!”
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, ông đăng tải dòng trạng thái: “Mong lắm VAR ơi…!”. Chắc hẳn, ông luôn đau đáu bóng đá Việt có VAR và những tâm tư của ông?
Đúng là mong ước thật nên tôi mới có những tâm tư như vậy. Nhưng chỉ mong ước thôi chứ thực tế vướng nhiều lắm, rất khó. Không chỉ Ban trọng tài, VFF, VPF cùng các đội bóng đều cũng muốn nhưng do cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cũng như kinh phí quá lớn. FIFA quy định bắt buộc theo quy chuẩn mới cho phép áp dụng nhưng những quy chuẩn đó quá cao, mình chưa thực hiện được.
Cả Đông Nam Á hiện có rất ít trọng tài được FIFA công nhận về những vấn đề liên quan đến VAR. Việc đào tạo trọng tài VAR không đơn giản, phải trải qua nhiều công đoạn và chúng ta cần phải tìm cách để thích ứng càng nhanh càng tốt".
Có VAR sẽ hỗ trợ chuyên môn tốt cho trọng tài. Có nhiều tình huống, chỉ có VAR mới phát hiện còn trọng tài vẫn là con người, rất khó phát hiện.Các tình huống rất quan trọng, có thể dẫn tới bàn thắng, mà giờ mình không có VAR đành chịu. Ví dụ có VAR, 2 tình huống vừa rồi ở sân Thống Nhất và Thanh Hóa sẽ giải quyết đơn giản đó là không công nhận bàn thắng của Nguyễn Xuân Nam và chứng minh rằng pha phạm lỗi đã ở trong vòng cấm.
Có lần nói vui, thôi thì sử dụng “VAR nhà nghèo”. Các trận đấu đều có trực tiếp và quay chậm các tình huống, mình sử dụng cái đó cũng được nhưng FIFA không chấp nhận, phải theo quy chuẩn còn không bị phạt nặng nếu sử dụng.
Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi!