Mùa giải 2023 - 2024 có thể coi là bản lề cho những thay đổi của bóng đá châu Á. Lịch thi đấu gần như được đồng bộ với bóng đá châu Âu và Nam Mỹ khi các giải đấu bắt đầu từ tháng 8, 9 và kết thúc vào tháng 5 và 6.
Hai đấu trường cao nhất bóng đá châu Á là AFC Champions League và AFC Cup cũng có những cải cách lớn.
Điều này giúp các cầu thủ châu Á quen được với nhịp thi đấu của châu Âu, châu Mỹ. Một số giải đấu như Ả Rập Cúp, Cúp Đông Á… có cơ hội mở rộng, với nhiều quốc gia tham dự hơn mà không cần lo lắng tới việc có được nhả người từ nhiều đội bóng lớn hay không. Thậm chí AFF Cup của Đông Nam Á cũng có cơ hội trở thành giải đấu thuộc hệ thống thi đấu của FIFA.
Hơn nữa, việc đồng bộ hoá lịch thi đấu giống châu Âu phần nào đó sẽ đem đến khoảng thời gian thuận lợi và không có quá nhiều khác biệt về lịch sinh hoạt cho cầu thủ. Quy mô các giải đấu châu Á được mở rộng, thu hút nhiều nhà tài trợ, bản quyền truyền hình hơn so với hiện tại.
Đó là câu chuyện của tầm vĩ mô và châu Á. Tuy nhiên, nó lại ảnh hưởng trực tiếp và đem đến cơ hội, thách thức lớn cho bóng đá Việt Nam.
Sở dĩ nói vậy bởi trước nay, một số đội bóng Việt thường phải "bỏ" đấu trường châu Á do khác biệt về lịch thi đấu, thời gian sinh hoạt khác nhau. CLB Hà Nội từng phải tham dự những trận play-off AFC Champions League vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán chỉ 1, 2 ngày.
Lịch thi đấu V-League mùa giải 2023 - 2024 được đồng bộ theo lịch châu Âu sẽ đem đến cho các CLB Việt Nam quãng nghỉ ngơi tốt hơn, chuẩn bị cho mùa giải dễ dàng hơn thay vì việc vừa ăn Tết vừa lo chuẩn bị cho mùa giải mới. Các đội bóng, cầu thủ Việt thường phải tập trung từ ngày mùng 2, mùng 3 và mùng 4 Tết.
Quãng chuẩn bị mùa giải mới này từ sau mủa giải 2023 - 2024 sẽ được đẩy vào khoảng tháng 6, 7 và 8. Đây là thời gian tương đối phù hợp và không bị trùng vào các ngày lễ truyền thống của Việt Nam. Lịch thi đấu của V-League khi có số đội tham dự như hiện tại thậm chí còn có thể có quãng nghỉ năm mới lên tới 2, 3 tuần.
Sâu xa hơn là câu chuyện về một cuộc cách mạng trong tư tưởng làm bóng đá và thích nghi của cầu thủ Việt. Lịch thi đấu thay đổi đồng nghĩa với việc các lần tập trung đội tuyển quốc gia trong giữa mùa giải sẽ thu hẹp hơn.
Cầu thủ phải thích nghi nhanh hơn, luôn sẵn sàng thể lực cho trận đấu của đội tuyển.
Câu chuyện thích nghi có thể nói trong 1 hay 2 câu chữ. Tuy nhiên, thực tế là một vấn đề rất lớn. Hiện tại, bóng đá Việt Nam đều có các quãng thời gian rất dài 1, 2 tháng tập trung cho đội tuyển Việt Nam trước giải đấu lớn, thậm chí là giải giao hữu trong quãng thời gian FIFA Days, SEA Games.
Các cầu thủ khi lên đội tuyển phải rèn thể lực, rèn kỹ thuật, chiến thuật gần như từ đầu. Ví dụ điển hình chính là việc HLV Park Hang-seo thường sử dụng những cầu thủ quen thuộc để không mất thời gian "dạy lại từ đầu".
Khi thay đổi về lịch thi đấu, nhịp sinh học, cầu thủ Việt cũng phải thích nghi nhanh hơn với nhiều loại chiến thuật, nhiều phương án của nhiều HLV khác nhau.
Viễn cảnh các cầu thủ như Văn Hậu, Văn Thanh, Công Phượng, Hùng Dũng… chỉ cần tập 3, 4 ngày trước trận giao hữu hay Nations League châu Á liệu có diễn ra hay không? Câu trả lời chỉ thực sự được biết trong tương lai, nhưng đây là điều mà các cầu thủ Việt phải dần thích nghi với kiểu lịch thi đấu giống như châu Âu từ mùa giải 2023 - 2024 sắp tới.
Tất cả sẽ được "nháp" trước trong quãng đầu 2023 với lịch thi đấu V-League gối cùng một số trận giao hữu thuộc FIFA Days.
Những trận đấu này đều nằm trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games hay ASIAD, ASIAN Cup. Một bài toán lớn mang tầm vĩ mô của những nhà làm bóng đá châu Á và Việt Nam, nhưng ở một góc nhỏ nào đó, kết quả đến từ sự thích nghi của những cầu thủ.
Và khi đã dần thích nghi được với lối đá hiện đại, cách vận hành chiến thuật, con người đa dạng, bóng đá Việt Nam sẽ không còn phải đi kèm tiêu chí tìm HLV hiểu bóng đá Việt Nam hay châu Á lên hàng đầu nữa. Khi đó, nhiều HLV đến từ nền bóng đá tiên tiến như châu Âu, châu Mỹ sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận, dẫn dắt đội tuyển hay các CLB tại dải đất hình chữ S.