Trả lời báo giới ngày 4/10, Bộ trưởng Tư pháp Zimbabwe Ziyambi Ziyambi cho biết nước này tin rằng có một "chương trình nghị sự chính trị" đằng sau lệnh cấm nhập khẩu của Mỹ.
Ông Ziyambi khẳng định Zimbabwe là một nước có luật lao động chặt chẽ và minh bạch, và không có người lao động bị ép buộc phải làm việc tại các khu mỏ khai thác kim cương Marange. Bộ trưởng Ziyambi nhấn mạnh luật lao động của nước này cấm mọi hình thức lao động cưỡng bức.
Trước đó, ngày 1/10, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) thông báo đã ban hành lệnh cấm các công ty nước này mua bán kim cương thô của Zimbabwe. Lệnh cấm áp dụng với các khu mỏ khai thác kim cương Marange ở miền Đông Zimbabwe, nơi được xem là "vựa" kim cương ở nước này kể từ năm 2006. Mỹ cáo buộc các nhà sản xuất kim cương quy mô nhỏ tại đây sử dụng lao động cưỡng bức.
Một đạo luật ban hành năm 2016 của Mỹ đã quy định rõ việc nhập khẩu các hàng hóa do những lao động cưỡng bức làm ra, dù là hoàn toàn hoặc một phần, sẽ bị coi là bất hợp pháp tại nước này. Mặc dù vậy, Viện Nghiên cứu về các hoạt động buôn người - một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết mỗi năm, một lượng hàng hóa trị giá hơn 400 tỷ USD do những người lao động cưỡng bức làm ra vẫn được "tuồn" vào thị trường Mỹ.
Báo cáo của Quỹ Thomson Reuters hồi tháng 4 vừa qua cũng cho thấy chỉ có một lượng nhỏ hàng hóa trị giá khoảng 6,3 triệu USD bị "chặn cửa" vào Mỹ kể từ khi luật cấm nhập khẩu hàng hóa do người bị cưỡng bức lao động sản xuất ra được thông qua năm 2016.
Căng thẳng giữa Mỹ và Zimbabwe leo thang kể từ năm 2003 khi Washington lần đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhiều chính trị gia và doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước của quốc gia miền Nam châu Phi này.