Kể từ đầu năm nay, giới chức Trung Quốc đã áp đặt một loạt lệnh phong tỏa, giới nghiêm ở nhiều khu vực, trong đó có nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, nhằm ngăn chặn bùng phát COVID-19. Di chuyển, đi lại của người dân bị giới hạn, nhiều nhà hàng cùng với mua sắm trực tiếp bị phải dừng hoạt động.
Giúp kiểm soát và ngăn chặn lây lan của virus, nhưng chính sách zero-Covid (Không Covid) với các biện pháp phong tỏa, giới nghiêm cũng đang gây ra những tác động với cầu tiêu dùng và sản lượng chế tạo. Theo số liệu chính thức, tổng mức bán lẻ hàng hóa tại Trung Quốc trong tháng 4 giảm 11,15% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng công nghiệp và sản lượng chế tạo giảm lần lượt 2,9% và 4,6%. Đồng nhân dân tệ cũng ghi nhận đà mất giá mạnh.
Kinh tế Trung Quốc suy yếu, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, chế tạo, có thể sẽ gây ra nhiều thách thức cho các nền kinh tế đang nổi, đặc biệt là số xuất khẩu một lượng lớn hàng hóa sang Trung Quốc hoặc phụ thuộc nguyên liệu sản xuất đầu vào từ thị trường Trung Quốc. Đơn cử, 48,2% xuất khẩu trong năm 2019 của Mông Cổ là sang Trung Quốc. Kế đến là Đài Loan/Trung Quốc (33,5%), Singapore (20,7%), Cộng hòa Congo (18,7%), Oman (16,7%).
Trung Quốc hiện giữ vị thế chi phối trong thương mại toàn cầu. Nước này chiếm gần 12% tổng mức nhập khẩu của toàn thế giới. Tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn rất nhiều ở một số ngành, lĩnh vực riêng biệt. Trong năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 24% tổng thiết bị điện tử, 16,4% mặt hàng kim loại, khai khoáng toàn cầu.
Chiến lược zero-Covid làm giảm nhu cầu nhập khẩu đối với hàng hóa từ nước ngoài. Tác động, ảnh hưởng cũng đã được cảm nhận rõ trên khắp châu Á. Ngành chế tạo tại Đài Loan/Trung Quốc, từng ghi nhận xu thế bùng nổ từ giữa năm 2020 đến cuối năm 2021 dựa vào xuất khẩu thiết bị điện từ, đã suy yếu trong ba tháng đầu năm nay. Cùng lúc, Thái Lan cũng giảm 1% dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2022, xuống còn 2,5-3%, mà nguyên nhân chính là do thách thức đến từ suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc và xung đột Ukraine.
Các thị trường mới nổi có thế mạnh về xuất khẩu hàng hóa chịu tác động tiêu cực ít hơn. Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu thô từ những nước này. Nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế với mặt hàng này vẫn mạnh.
Đơn cử, Cộng hòa Congo là nhà xuất khẩu cobalt lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất. Giá cobalt giảm 6% trong tháng 4, do ngành chế tạo kim loại điện cực carthode tại đại lục suy giảm trong thời kỳ phong tỏa. Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe điện tại Trung Quốc lạc quan rằng doanh số sẽ tăng vào cuối năm.
Cùng thời điểm, giá dầu trên thị trường thế giới đứng ở mức cao, giúp giải tỏa lo ngại đối với các nước xuất khẩu dầu thô như Oman, Kuwait. Tầm quan trọng của chuyển đổi năng lượng cùng với những lo ngại về an ninh năng lượng đồng nghĩa với việc các nền kinh tế đang nổi có thế mạnh xuất khẩu mỏ quặng dùng cho các công nghệ chế tạo ngăng lượng sạch hoặc năng lượng hóa thạch chuyển thống sẽ chỉ phải gánh chịu mức đứt gãy không đáng kể từ đà suy yếu tăng trưởng tại Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại gây ra một số thách thức với nhiều thị trường đang nổi, nhưng đi cùng đó cũng là cơ hội. Xu hướng đóng cửa, sản xuất cầm chừng tại nhiều nhà máy ở Trung Quốc do lệnh phong tỏa làm suy yếu xuất khẩu.
Đây là thời cơ để các nền kinh tế đang nổi xen vào lấp chỗ trống trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Myanmar và Philippines là hai nước duy trì được tăng trưởng xuất khẩu ổn định trong vài tháng gần đây, do nhu cầu nhập khẩu tăng lên thị trường bên ngoài, nhất là Mỹ.
Bên cạnh đó còn là cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài. Sau đứt gãy chuỗi cung năm 2020 liên quan đến bùng phát COVID-19 khởi đầu từ Trung Quốc, giới đầu tư nước ngoài đẩy nhanh chiến lược “Trung Quốc cộng 1” nhằm đa dạng hóa năng lực sản xuất theo hướng vẫn duy trì dây chuyền sản xuất tại đại lục, nhưng thiết lập cứ điểm lắp ráp, chế tạo mới tại nước khác.