Theo tờ The Verge, Zuckerberg định thông báo về việc đổi tên Facebook trong sự kiện Connect về thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường của công ty.
Trước đó, ngày 17/10, Facebook đã thông báo kế hoạch tuyển dụng 10.000 người tại Liên minh châu Âu (EU) để xây dựng "metaverse", một phiên bản thực tế ảo của mạng Internet mà tập đoàn công nghệ này coi là tương lai.
Zuckerberg là một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất tại Silicon Valley đối với ý tưởng về “metaverse”, xóa nhòa ranh giới giữa thế giới thực và thế giới số. Công nghệ này sẽ cho phép những người đeo kính thực tế ảo có cảm giác như thể đang nói chuyên trực tiếp với bạn bè, dù trên thực tế họ đang cách xa nhau hàng nghìn km và kết nối qua mạng Internet.
Trong một bài đăng blog, Facebook khẳng định “metaverse” có tiềm năng giúp khai mở tiếp cận đối với những cơ hội sáng tạo, xã hội và kinh tế mới và người châu Âu sẽ tham gia định hình ngay từ lúc khởi đầu.
Theo Yahoonews, khi đổi tên để phù hợp với “metaverse” nhưng Facebook sẽ không đổi tên các ứng dụng, có nghĩa là ứng dụng Facebook vẫn sẽ là Facebook. Thay vào đó, đổi tên sẽ chỉ ảnh hưởng tới công ty mẹ của Facebook.
Tuy nhiên, động thái đổi tên sắp tới có thể nhằm một mục đích khác ngoài việc liên quan tới “metaverse”. Đổi tên cũng có thể là để tách tập đoàn mẹ khỏi các tranh cãi xuất phát từ ứng dụng Facebook và Instagram.
Công ty mạng xã hội này vẫn đang xử lý hậu quả sau khi cựu nhân viên Frances Haugen rò rỉ hàng nghìn trang tài liệu cho báo chí, tiết lộ những sự thật về Facebook. Phát biểu trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ, Haugen nói: "Tôi tin rằng các sản phẩm của Facebook gây hại cho trẻ em, gây chia rẽ trong xã hội và làm suy yếu nền dân chủ của chúng ta. Hành động của Quốc hội là cần thiết. Họ sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng này, nếu không có sự vào cuộc của nhà chức trách".
Facebook đã bác bỏ tầm quan trọng của các cáo buộc, cho rằng các tài liệu bị rò rỉ đã bị đưa ra khỏi bối cảnh cụ thể. Phó chủ tịch truyền thông của Facebook John Pinette cho biết không thể dùng một vài trong số hàng triệu tài liệu của Facebook để đưa ra một kết luận công bằng về Facebook.
Ngoài vụ bê bối trên, Facebook còn đang dính líu tới vụ kiện chống độc quyền của Ủy ban Thương mại Liên bang. Ủy ban này cáo buộc Facebook vận hành một chiến dịch “mua hay chôn” nhằm vào các đối thủ mới xuất hiện. Mặc dù một thẩm phán đã bác bỏ đơn ban đầu của Ủy ban Thương mại Liên bang, nhưng nhà quản lý này đã nộp đơn kiện chỉnh sửa, cáo buộc Facebook là nhà độc quyền bất hợp pháp.
Theo các chuyên gia, nỗ lực tách tập đoàn khỏi các ứng dụng mạng xã hội của mình bằng việc xây dựng “metaverse” có thể không dập tắt nổi các tranh cãi kể trên. Các tập đoàn từng đổi tên là một minh chứng. Khi Google đổi tên thành Alphabet, phần lớn mọi người vẫn gọi công ty mẹ là Google. Tương tự, dù đã đổi thành Snap, nhưng mọi người đều gọi tên cũ là Snapchat.
Dù vậy, Facebook đã nỗ lực tập trung vào thực tế ảo tăng cường, xây dựng dòng phần cứng Oculus và ra mắt ứng dụng Horizon Workrooms.
Với “metaverse”, Facebook hy vọng có quyền kiểm soát nhiều hơn để không còn phải phụ thuộc vào việc người dùng truy cập ứng dụng của mình bằng thiết bị của bên thứ ba như iPhone. Khi ra mắt phần cứng riêng, Facebook có thể kiểm soát cả cách người dùng tương tác với “metaverse”. Facebook sẽ không phải đối mặt với rắc rối nảy sinh từ động thái của các công ty khác, như khi Apple cập nhật tính năng bảo mật trên điện thoại, động thái có thể khiến Facebook thiệt hại doanh thu quảng cáo.
Dù vậy, thậm chí khi Facebook phát triển ở lĩnh vực “metaverse”, công ty này vẫn sẽ không thể xóa hẳn cái tên cũ hay những tranh cãi sẽ mãi gắn liền với nó.