Theo trang tin châu Âu Euractiv.com ngày 24/3, cuộc đình công của các tài xế xe tải, cuộc biểu tình hàng loạt của nông dân và ngư dân, sản xuất công nghiệp ngừng hoạt động cùng tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục đã làm gia tăng sự tức giận của công chúng với Chính phủ Tây Ban Nha trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt.
Sau một ngày cuối tuần chứng kiến hàng chục nghìn người biểu tình, những người biểu tình tiếp tục xuống đường tuần hành vào tối 23/3 tại Tây Ban Nha.
Những cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra nhằm đáp lại lời kêu gọi của các công đoàn hàng đầu ở Tây Ban Nha, UGT và Ủy ban Công nhân CCOO, với khẩu hiệu: “Kiểm soát tăng giá, bảo vệ việc làm, ngăn chặn điều kiện sống đang xấu đi”.
Tình trạng bất ổn diễn ra khi Tây Ban Nha chứng kiến giá tiêu dùng tăng lên mức cao nhất trong gần 35 năm, với lạm phát tăng lên đến 7,6% vào tháng 2/2022, trong bối cảnh chi phí năng lượng tiếp tục tăng cao do cuộc xung đột ở Ukraine.
“Chúng tôi muốn EU thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, ít nhất là để các quốc gia điều tiết giá cả. Không thể để các quốc gia bị trói buộc với mức giá hoàn toàn chênh lệch với chi phí sản xuất điện”, ông Pepe Alvarez, Chủ tịch của UGT cho biết.
Ban tổ chức cuộc biểu tình cũng cảnh báo hậu quả đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp là nghiêm trọng. “Hàng tháng, hóa đơn tiền điện, sưởi ấm, chi phí xăng và dầu diesel, thực phẩm, nhà ở và phương tiện đi lại tăng liên tục. Toàn bộ xã hội đang bị ảnh hưởng nặng nề”, tuyên bố của ban tổ chức biểu tình nêu rõ.
Các cuộc biểu tình diễn ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu kéo dài hai ngày, được cho là có khả năng tập trung vào các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trước mức giá năng lượng cao kỷ lục đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tây Ban Nha đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn kể từ ngày 14/3 khi các tài xế xe tải tiến hành một cuộc đình công lớn liên quan đến việc tăng giá nhiên liệu.
Chính phủ Tây Ban Nha cũng đang phải đối mặt với một cuộc đình công của các ngư dân hồi đầu tuần này sau lời kêu gọi của một liên đoàn gần 9.000 tàu thuyền nói rằng giá dầu diesel đã khiến nhiều ngư dân thua lỗ.
Trong khi đó, gần 150.000 người trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt đã biểu tình ở Madrid hôm 20/3 do bị ảnh hưởng bởi chi phí thức ăn gia súc tăng cao.
Nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Tây Ban Nha đang gây áp lực lên chính phủ, hối thúc tìm giải pháp cho các cuộc biểu tình, vốn đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng trên tất cả các lĩnh vực.
Đây là làn sóng bất ổn xã hội lớn nhất kể từ khi Thủ tướng Pedro Sánchez lên nắm quyền vào giữa năm 2018.
Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau trong những tháng gần đây để cải thiện mức lương thấp và kiềm chế giá năng lượng tăng bằng cách giảm thuế VAT và thuế sản xuất điện, những nỗ lực của Chính phủ Tây Ban Nha đã bị xóa sổ do lạm phát gia tăng.
Trong những ngày gần đây, Thủ tướng Sánchez đã đi thăm các nước châu Âu nhằm thúc đẩy một phản ứng chung của EU sau nhiều tháng vận động hành lang để Brussels thay đổi cơ chế kết hợp giá điện với thị trường khí đốt.
Cho đến nay, những đề nghị của Madrid vẫn không được chú ý, mặc dù có sự hỗ trợ từ Paris. Ông Sánchez cho biết, nếu EU không đạt được thỏa thuận, Tây Ban Nha sẽ thực hiện một mình. Nhưng những người biểu tình nói rằng điều đó là quá ít, quá muộn, nếu chỉ áp dụng các biện pháp tương tự đã có hiệu lực ở Pháp và Đức.