Xung đột Nga-Ukraine có thể khiến lạm phát ở Mỹ tăng lên tới 10%

Chi phí sinh hoạt ở Mỹ đã ở mức rất cao. Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có thể làm cho tình hình lạm phát thậm chí còn tồi tệ hơn.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại một chợ ở Washington, DC, Mỹ, ngày 8/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CNN, giá dầu đã tăng vọt lên hơn 90 USD/thùng trong những tuần gần đây do nguy cơ xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine.

Một phân tích mới của tập đoàn RSM cho rằng nếu cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine khiến giá dầu tăng lên khoảng 110 USD/thùng, thì lạm phát ở Mỹ sẽ vượt quá 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của Chính phủ Mỹ, lần gần đây nhất mà Mỹ có mức lạm phát 10% là tháng 10/1981.
Ông Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM nói: “Chúng ta đang nói về một cú sốc ngắn hạn thực sự”.

Nga là nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới về cả dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Cuộc khủng hoảng với Ukraine xảy ra vào thời điểm thị trường năng lượng thế giới đang gặp khó khăn trong theo kịp nhu cầu. Ngân hàng JPMorgan đã cảnh báo rằng nếu xảy ra gián đoạn với nguồn cung dầu từ Nga, giá dầu sẽ dễ dàng tăng lên 120 USD/thùng.

Ông Brusuelas nói: “Chi phí sưởi ấm trong nhà và đổ xăng cho ô tô sẽ trở nên đắt đỏ hơn ngay sau khi xảy ra xung đột Ukraine-Nga. Sẽ có cú sốc đối với niềm tin tiêu dùng và khiến các doanh nghiệp giảm đầu tư”.

Lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu Mỹ đã chạm mức 95 USD/thùng ngày 15/2. Nhưng giá dầu thô đã đảo chiều vào 16/2, giảm xuống dưới 92 USD/thùng nhờ hy vọng giảm leo thang giữa Nga và Ukraine.

Chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 7,5% trong tháng 1 so với năm trước là mức cao nhất kể từ tháng 2/1982. Chi phí sinh hoạt cao đã đè nặng tâm lý người tiêu dùng, vốn đã giảm vào đầu tháng này xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ.

Giá xăng là một điều gây nhức nhối. Ngày 15/2, giá trung bình trên toàn nước Mỹ của xăng thông thường là 3,5 USD/gallon, tăng từ 3,46 USD tuần trước đó.

Ông Brusuelas ước tính rằng giá dầu tăng khoảng 20% lên 110 USD/thùng sẽ nâng giá tiêu dùng lên 2,8 điểm phần trăm trong suốt 12 tháng tiếp theo, từ đó nâng lạm phát lên trên ngưỡng 10%. Điều này sẽ trái ngược với những dự báo hiện tại rằng lạm phát sẽ dần hạ nhiệt.

Tuy nhiên, tác động đến nền kinh tế nói chung của Mỹ có thể ít nghiêm trọng hơn. Ông Brusuelas ước tính giá dầu vọt lên 110 USD/thùng sẽ chỉ khiến GDP của Mỹ giảm nhẹ chưa đầy 1 điểm phần trăm trong năm tới.

Dù vậy, lạm phát tăng có thể sẽ gây áp lực mới lên Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED), khiến ngân hàng này đẩy mạnh cuộc chiến kiểm soát giá cả bằng cách tăng lãi suất đáng kể.

Trước đó, ngày 14/2, Chủ tịch chi nhánh FED tại St. Louis, ông James Bullard cho rằng FED cần đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát leo thang và có thể làm như vậy mà không gây chao đảo thị trường tài chính.

Ông Bullard cho rằng FED cần đi trước đón đầu và nâng lãi suất lên 1% vào tháng 7 tới. Theo ông, uy tín của ngân hàng này đang bị ảnh hưởng sau khi chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua. 

Cuộc họp chính sách tiếp theo của FED diễn ra vào ngày 15-16/3 tới. Một số nhà kinh tế cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng mạnh lãi suất để thể hiện quyết tâm kiềm chế giá cả tăng.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Giới chức ECB lo ngại lạm phát tăng phi mã
Giới chức ECB lo ngại lạm phát tăng phi mã

Isabel Schnabel - một thành viên của ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - mới đây đã kêu gọi ngân hàng này cân nhắc rút dần các biện pháp kích thích kinh tế trước khi quá muộn để ngăn lạm phát phi mã.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN