Xung đột Nga – Ukraine leo thang đáng lo ngại

Vụ nổ trên cây cầu huyết mạch ở bán đảo Crimea mà Nga cho là do Ukraine gây ra và các cuộc không kích trả đũa của Nga đã khiến xung đột giữa hai nước leo thang một cách đáng ngại.

Diễn biến mới trong xung đột Nga - Ukraine

Chú thích ảnh
Khói bốc lên ngùn ngụt từ hiện trường vụ nổ trên cây cầu nối với Bán đảo Crimea ngày 8/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào lúc 6 giờ 7 phút ngày 8/10, đám cháy đã bùng lên trên cầu Crimea sau một vụ nổ trên các làn đường đi về phía tây chạy từ Nga đến Kerch ở Crimea. Đám cháy lan sang phần đường sắt của cầu và làm sập một phần nhịp xuống nước. Ít nhất ba người thiệt mạng trong vụ cháy nổ này.

Các quan chức Nga và một quan chức cấp cao Ukraine nói với tờ New York Times rằng nguyên nhân của vụ nổ xuất phát từ quả bom được đặt lên một chiếc xe tải.

Mặc dù không có ai đứng ra nhận trách nhiệm về vụ nổ, nhưng theo tờ Ukrainska Pravda và Meduza của Ukraine, cuộc tấn công do Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) thực hiện. Giới chức Ukraine từ chối bình luận về thông tin trên.

Video đám cháy sau vụ nổ trên cầu Crimea (nguồn: Twitter):

Sau đó, cây cầu này đã mở cửa trở lại trên một đường ray, phục vụ một số phương tiện giao thông đường sắt.

Cầu Crimea là một cặp cầu song song, một bên có đường 4 làn xe và bên còn lại là đường sắt đôi, bắc qua eo biển Kerch giữa Nga ở phía đông và Crimea ở phía tây. Nga bắt đầu xây cầu này vào tháng 2/2016 sau khi sáp nhập bán đảo Crimea. Tháng 5/2018, cầu đường bộ được thông xe, đến tháng 12/2019, cầu đường sắt đi vào hoạt động.

Trong xung đột hiện nay, cây cầu này được sử dụng để tiếp tế cho Lực lượng vũ trang Nga ở phía nam. Các quan chức và quân đội Ukraine đã nhiều lần tuyên bố ý định phá hủy cầu Crimea, coi đây là mục tiêu quân sự hợp pháp.

Chú thích ảnh
Hiện trường một vụ tấn công ở Kiev, Ukraine. Ảnh: Reuters

Hai ngày sau vụ nổ trên cầu Crimea, ngày 10/10, truyền thông Nga và châu Âu đưa tin ít nhất 10 thành phố trên khắp Ukraine đã phải hứng chịu các vụ tấn công tên lửa dồn dập. Đài RT (Nga) và France24 (Pháp) cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã xác nhận thông tin, nói rằng không chỉ thủ đô Kiev mà hàng loạt thành phố của nước này đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công tên lửa.

Văn phòng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết họ ghi nhận ít nhất 75 quả tên lửa đã tấn công các thành phố như Lviv, Kharkov, Odessa và lực lượng phòng không Ukraine đánh chặn được 41 quả. Mục tiêu các cuộc không kích chủ yếu nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng điểm và mạng lưới năng lượng.

Theo Đài Sputnik (Nga), đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng, thủ đô Kiev xảy ra các vụ nổ lớn như vậy. Ít nhất 12 người thiệt mạng và 60 người bị thương trong các vụ nổ này.

Phản ứng của các bên

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng điều tra tại hiện trường vụ nổ ở thủ đô Kiev, Ukraine ngày 10/10. Ảnh: THX/TTXVN

Sau vụ nổ trên cầu Crimea, ngày 9/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đổ lỗi cho các cơ quan mật vụ Ukraine gây ra vụ việc: “Các tác giả, thủ phạm và nhà tài trợ là các cơ quan mật vụ Ukraine. Chắc chắn đây là hành động khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng của Nga”.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga sẽ đáp trả cuộc tấn công cầu Crimea bằng cách trực tiếp tiêu diệt những đối tượng mà ông gọi là "khủng bố".

Trong khi đó, các nước phương Tây đã phản ứng về động thái trả đũa của Nga. Ông Peter Stano, người phát ngôn về vấn đề đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng các cuộc tấn công của Nga đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế và gây ra leo thang trong xung đột ở Ukraine.

Trước đó, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã lên án các cuộc tấn công của Nga và nói thêm trên Twitter: “Chúng tôi sát cánh với Ukraine. Hỗ trợ quân sự bổ sung từ EU đang được tiến hành".

Cũng trong ngày 10/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine. Ông Biden cũng cam kết hỗ trợ cần thiết cho các lực lượng Ukraine để bảo vệ đất nước.

Trong khi đó, đài RT đưa tin, tại Mỹ, Hạ nghị sĩ Paul Gosar đã kêu gọi Chính phủ Mỹ cắt viện trợ nước ngoài dành cho Ukraine. Ông cho rằng số tiền trên đang được dùng cho một cuộc xung đột mà nước Mỹ không nên can dự vào. Một số nhà lập pháp khác của đảng Cộng hòa cũng đã lên án các khoản viện trợ tài chính và quân sự của Tổng thống Joe Biden dành cho Kiev.

Tuần trước, Hạ nghị sĩ bang Georgia là Marjorie Taylor Greene cáo buộc nguồn viện trợ của Mỹ cho Ukraine đã tiếp tay giết hại hàng nghìn người, cũng như làm tăng đáng kể chi phí sinh hoạt trên toàn thế giới. Trong khi đó, Hạ nghị sĩ bang Florida là Matt Gaetz cho rằng việc Washington tiếp tục gửi tiền cho Ukraine không hề liên quan đến mối đe dọa về chiến tranh hạt nhân.

Sau khi diễn biến xung đột Nga – Ukraine leo thang, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này hy vọng tình hình tại Ukraine sẽ sớm hạ nhiệt. Phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho hay Bắc Kinh quan tâm tới thông tin về vụ nổ trên cầu Kerch nối lục địa Nga với bán đảo Crimea, cũng như những vụ tấn công ngày 10/10 vào thủ đô Kiev và các thành phố ở Ukraine.

Bà Mao Ning khẳng định lại lập trường của Trung Quốc về tình hình Ukraine, nhấn mạnh Bắc Kinh luôn cho rằng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia nên được tôn trọng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng tất cả các bên giải quyết thỏa đáng các khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn. Trung Quốc cũng tiếp tục sẵn sàng đóng một vai trò tích cực để giúp hạ nhiệt căng thẳng tình hình ở Ukraine”.

Triển vọng hòa bình

Chú thích ảnh
Người Ukraine tại nhà ga tàu hỏa ở Przemysl, Ba Lan ngày 5/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, vẫn có một số động thái hướng tới hòa bình cho Nga và Ukraine.

Ngày 11/10, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Mohamed bin Zayed đã tới thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin nhằm thúc đẩy các giải pháp chính trị hiệu quả cho cuộc khủng hoảng Ukraine. UAE đang tìm cách đạt được các kết quả tích cực nhằm giảm leo thang quân sự, giảm thiểu các hậu quả về nhân đạo và đạt được một thỏa thuận chính trị cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Các nhà lãnh đạo UAE và Nga thảo luận những diễn biến mới nhất liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine. UAE kêu gọi giải quyết xung đột thông qua đối thoại, đồng thời tôn trọng các quy tắc và nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Trước khi xung đột ở Ukraine leo thang, ngày 5/10, ông Josep Borrell tuyên bố các nước thành viên EU sẵn sàng giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine bằng biện pháp ngoại giao nếu hoàn cảnh cho phép.

Tại cuộc gặp giữa Chủ tịch Hội đồng Hiệp thương Nhân dân Indonesia Bambang Soesatyo và Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko ở thủ đô Jakarta (Indonesia), ông Bambang Soesatyo cho biết Indonesia luôn mong muốn hòa bình và hy vọng cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ sớm kết thúc để thế giới có thể nhanh chóng phục hồi. Trong vấn đề căng thẳng Nga - Ukraine, Indonesia khẳng định tầm quan trọng của đối thoại để sớm chấm dứt khủng hoảng.

Giới chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11/10 cũng hối thúc Nga và Ukraine triển khai đàm phán và hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn sớm nhất có thể.

Ngày 10/10, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cảnh báo số người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa do xung đột sẽ tiếp tục gia tăng. Theo Tổ chức Di trú Quốc tế, kể từ khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine hồi tháng 2 năm nay, trên 7,6 triệu người Ukraine đã rời bỏ đất nước sang lánh nạn ở các quốc gia EU. Nhiều người trong số đó đã trở về nước, nhưng có trên 4,2 triệu người đã đăng ký quy chế bảo vệ tạm thời tại các nước EU. Ngoài ra, gần 7 triệu người khác đã phải di dời ở trong nước do xung đột.
Thùy Dương/Báo Tin tức ((Tổng hợp))
Mỹ nói sẽ chuyển giao hệ thống phòng không cho Ukraine
Mỹ nói sẽ chuyển giao hệ thống phòng không cho Ukraine

Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không tiên tiến sau khi Nga tiến hành không kích các thành phố của Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN