Xu hướng đồng USD mất giá và tác động tại châu Á

Đồng USD khởi đầu tuần giao dịch với biến động mạnh, trong bối cảnh có nhiều kỳ vọng về các thỏa thuận thương mại tiềm năng.

Khi đồng bạc xanh xỉn màu

Chú thích ảnh
Đồng USD Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Bloomberg (Mỹ), đồng USD vốn chịu áp lực từ chính sách kinh tế gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump, dẫn đến suy giảm niềm tin đối với tài sản Mỹ.

Các tuyên bố thương mại cứng rắn của ông Trump từ khi nhậm chức hồi tháng 1 đã khiến thị trường vĩ mô chao đảo, khiến đồng USD đánh mất vai trò truyền thống là “nơi trú ẩn an toàn” và buộc nhà đầu tư phải chuyển hướng tìm đến tài sản ở nơi khác.

Theo hãng thông tấn AFP (Pháp), Mỹ từ lâu được coi là nơi trú ẩn an toàn về tài chính. Tình trạng bán tháo đồng USD, cổ phiếu và trái phiếu kho do hoảng loạn về cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump trong thời gian qua dẫn đến nhiều ý kiến băn khoăn liệu điều đó còn đúng như trước đây không.

Đồng bạc xanh tiếp tục mất giá trong phiên ngày 5/5 khi giảm so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt. Chỉ số Bloomberg đo lường sức mạnh đồng bạc xanh giảm khoảng 0,2% vào lúc 13 giờ 20 phút (giờ New York).

Cùng thời điểm, đồng yên Nhật tăng mạnh 0,6% – dẫn đầu nhóm các đồng tiền của 10 quốc gia giàu có (G10). Trong khi đó, đồng euro vượt ngưỡng 1,13 USD đổi 1 euro. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong gần sáu tháng là 7,1980 nhân dân tệ đổi 1 USD, khi các nhà đầu tư dự đoán Trung Quốc có thể để đồng nội tệ mạnh lên và điều này nằm trong đàm phán thương mại Trung - Mỹ.

Dù đà bán đồng USD đã hạ nhiệt trong tháng 5, nhưng chỉ số Bloomberg Dollar Spot vẫn giảm gần 7% tính từ đầu năm đến nay. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi chỉ số này ra đời cách đây hai thập niên. Dữ liệu mới nhất từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai cho thấy, các nhà giao dịch trên thị trường phái sinh đang ở mức bi quan cao nhất với đồng bạc xanh kể từ tháng 9/2024.

Tác động với châu Á

Chú thích ảnh
Đồng tiền mệnh giá 10.000 yên mới của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Việc nội tệ nhiều quốc gia châu Á đạt được mức tăng giá hiếm thấy do USD suy yếu đã kích hoạt các ngân hàng trung ương can thiệp để hạn chế đà tăng. Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) đã bán một lượng lớn đô la Hong Kong vào ngày 2/5 để “phanh đà tăng” và bảo vệ tỷ giá cố định của đồng tiền này so với đồng bạc xanh trong 42 năm qua.

Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài cũng ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2024. Sự biến động cho thấy cách cuộc “di cư” khỏi USD có thể tác động lan rộng khắp các thị trường tài chính.

Chuyên gia phân tích tiền tệ tại Barclays (New York) - bà Skylar Montgomery Koning - nhận định: “Việc cắt giảm thuế quan và những tiến triển trong các thỏa thuận thương mại cho thấy mức độ gián đoạn đối với kinh tế Mỹ có thể sẽ không nghiêm trọng như lo ngại trước đó. Đồng thời, điều này cũng có thể tạo cú hích cho các nền kinh tế châu Á và những đồng tiền của họ”.

Các đồng tiền châu Á như yên Nhật và nhân dân tệ đang hưởng lợi nhờ làn sóng mua trở lại từ nhà đầu tư nội địa và được xem là kênh đầu tư thay thế trong bối cảnh trào lưu “bán tài sản Mỹ” lan rộng. Diễn biến này dường như vẫn được duy trì, ngay cả khi cả Bắc Kinh và Washington đều có dấu hiệu “xuống thang” trong cuộc chiến thương mại. Trung Quốc cho biết họ đang cân nhắc khả năng nối lại đàm phán với Mỹ.

Ông Brad Bechtel tại ngân hàng đầu tư Jefferies (Mỹ) nhận định: “Lối thoát tự nhiên cho căng thẳng thương mại hiện tại chính là việc đồng USD yếu đi. Việc đặt cược vào khả năng giảm giá của đồng USD so với các đồng tiền châu Á là điều có lý”.

Đồng nội tệ ở các thị trường mới nổi tăng giá có thể giúp thu hút dòng vốn nước ngoài và khiến hàng nhập khẩu rẻ hơn, nhưng cũng có thể gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi hàng hóa của họ trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.

Những ngày gần đây, nhà đầu tư theo dõi sát sao từng động thái của chính quyền Tổng thống Trump trong đàm phán thương mại và thuế quan với các đối tác quan trọng. Ông Tim Waterer, Trưởng bộ phận phân tích thị trường của KCM Trade, cho biết đồng USD đang có xu hướng giảm trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này. Trọng tâm của thị trường sẽ là quyết định chính sách của Fed và bài phát biểu của một số quan chức, để hiểu rõ hơn về đường hướng chính sách tiền tệ trong tương lai.

Ngày 5/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã bác bỏ quan điểm cho rằng giới đầu tư đang rút khỏi tài sản Mỹ do chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump. Ông Bessent khẳng định Mỹ vẫn là “điểm đến hàng đầu” của dòng vốn toàn cầu. Ông nói: “Việc đạt được các điều khoản thương mại tốt hơn không phải lúc nào cũng diễn ra theo đường thẳng, hoặc là quá trình dễ chịu. Nhưng tôi tin rằng, cuối cùng, các mối quan hệ thương mại sẽ bền chặt hơn, và các liên kết về an ninh cũng như giá trị giữa các bên vẫn được duy trì”.

Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc
Đồng USD đối mặt làn sóng suy yếu, Phố Wall đồng loạt cảnh báo
Đồng USD đối mặt làn sóng suy yếu, Phố Wall đồng loạt cảnh báo

Các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới đang đồng loạt phát đi cảnh báo rằng đồng USD có nguy cơ tiếp tục suy yếu trong bối cảnh chính sách thương mại của Mỹ đang thay đổi mạnh mẽ và dòng vốn nước ngoài đổ vào tài sản Mỹ có dấu hiệu chững lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN