Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ hỗ trợ "Ý tưởng Á - Âu" của Nga Grigory Trofimchuk đã gọi những đề xuất này là "Ba bước đi mang lại hòa bình trên biển". Tiến sỹ Jan Hornat, chuyên gia về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Đại học Tổng hợp Charles (CH Séc) nhấn mạnh bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy Việt Nam chủ động, tích cực tham gia góp phần đảm bảo an ninh biển. Trong khi đó, chuyên gia về chính trị quốc tế người Ukraine Andrei Tymchenko cho rằng, quan điểm của Việt Nam tại phiên họp một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Giáo sư Antonio Fallico, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Á - Âu tại vùng Veneto (Italy) nhận định những đề xuất của Việt Nam thể hiện rõ đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác và tinh thần trách nhiệm đối với ổn định, an ninh của khu vực và quốc tế. Tiến sỹ Gerhard Will, nguyên là chuyên gia về Biển Đông của Viện Khoa học và Chính trị Đức, cho rằng các đề xuất của Việt Nam rất phù hợp và thực tế, thể hiện tính chủ động, tích cực và tinh thần trách nhiệm cao của Việt Nam trong việc đối phó với các thách thức chung.
Theo bài viết đăng trên trang mạng Fulcrum.sg của Singapore mới đây, Việt Nam được đánh giá luôn là thành viên có trách nhiệm và có nhiều nỗ lực đáng kể để thông qua và thực thi các điều khoản của UNCLOS 1982. Ngay từ trước khi UNCLOS 1982 ra đời, Việt Nam đã tích cực tham gia quá trình đàm phán xây dựng Công ước và là một trong 117 quốc gia đầu tiên ký kết kể từ khi văn kiện này được mở ký vào ngày 10/12/1982. Trong những năm qua, Việt Nam luôn tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ theo Công ước, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia. Luật Biển Việt Nam năm 2012 ra đời được xem là một bước tiến quan trọng trong việc chuyển hóa các quy định của UNCLOS 1982 vào hệ thống pháp luật trong nước, tạo thuận lợi cho việc quản lý thống nhất về biển và phát triển kinh tế biển Việt Nam.
Năm 2021, cùng với Đức, Việt Nam đã khởi động việc thành lập "Nhóm bạn bè UNCLOS 1982" để thúc đẩy, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia cùng chí hướng đối với những mục tiêu chung trên đại dương. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ của LHQ cùng các nước trên thế giới, thể hiện qua số lượng thành viên tham gia đến nay là 115 nước. Đại sứ Christoph Heusgen - Trưởng Phái đoàn thường trực Đức tại LHQ nhận định việc có nhiều nước đăng ký làm thành viên của "Nhóm bạn bè UNCLOS" cho thấy các nước "đều đồng lòng với Việt Nam và Đức rằng UNCLOS 1982 là thành tố quan trọng trong việc thực thi và tôn trọng luật pháp trên biển của cộng đồng quốc tế".
Giáo sư Bankaj Jha, Giám đốc trung tâm nghiên cứu an ninh chiến lược thuộc Đại học Jindal (Ấn Độ) nêu bật trong năm 2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy để ASEAN, với tư cách là một nhóm, "tái khẳng định UNCLOS 1982 là cơ sở để xác định các quyền hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển, và UNCLOS 1982 đặt ra khuôn khổ pháp lý trong đó tất cả các hoạt động trên đại dương và biển phải được thực hiện". Chuyên gia Ấn Độ khẳng định Việt Nam thực sự đi đầu trong việc giải quyết các thách thức liên quan đến Biển Đông và ngày càng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết tranh chấp chung ở vùng biển này, thông qua việc tích cực xây dựng và đề xuất nhận thức chung giữa các nước thành viên về các nguyên tắc và phương thức giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Một trong những mục tiêu cơ bản và xuyên suốt của Việt Nam khi tham gia ASEAN là mong muốn duy trì một môi trường an ninh hòa bình, ổn định tại khu vực, trong đó có bảo đảm hòa bình, an ninh tại Biển Đông. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước ASEAN và Trung Quốc triển khai đầy đủ, hiệu quả DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS. Việt Nam đang tham gia hết sức tích cực vào quá trình xây dựng COC, và những hoạt động này đều đóng góp cho quá trình xây dựng lòng tin, kiểm soát xung đột, tranh chấp.
Chuyên gia Anton Viktorovich Bredikhin - Tiến sĩ Lịch sử tại Viện Hàn lâm khoa học Nga đánh giá cao chính sách nhất quán của Việt Nam trong nỗ lực tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế-xã hội, bao gồm kinh tế biển, đặc biệt là ở Biển Đông, với phương châm “hòa bình-hữu nghị, hợp tác-phát triển”. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Chương trình phát triển LHQ (UNDP) Achim Steiner nhận định việc xác định các giải pháp mới để thúc đẩy một nền kinh tế xanh bền vững và có khả năng chống chịu là công việc mang tính quyết định. Ông đánh giá cao những đóng góp, nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng các mục tiêu hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển.
Những đánh giá tích cực của dư luận quốc tế đối với cách tiếp cận của Việt Nam trong vấn đề an ninh biển và phát triển kinh tế biển bền vững chính là bằng chứng sinh động thể hiện vai trò nổi bật của Việt Nam trong việc thực hiện UNCLOS 1982. Trong bài viết trên trang mạng Infox.ru (Nga) với nhan đề "Việt Nam - ngọn cờ đầu của ASEAN", chuyên gia Nga Grigory Trofimchuk đã khẳng định lập trường nhất quán và mang tính xây dựng của Việt Nam trong việc thiết lập môi trường hòa bình và ổn định trong toàn bộ khu vực, bao gồm Biển Đông, là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thích nghi với tình hình địa chính trị hiện đại. Chính cách tiếp cận tích cực, chủ động và có trách nhiệm này của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên biển và đại dương, cũng như trong các vấn đề quốc tế khác.
Đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam trên trường quốc tế, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã khẳng định "Việt Nam là đối tác tin cậy vững chắc của LHQ".