Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có khoảng 10 triệu ha rừng biến mất. LHQ khẳng định đã đến lúc thế giới nhìn thấy những hành động cụ thể và đáng tin cậy trên mặt đất, dưới hình thức chấm dứt các mô hình khai thác rừng không bền vững.
Tại khu vực rừng Amazon thuộc Peru, có một loại cây cao hơn 20 m đang tạo ra những giá trị mới, đó là cây shiringa. Cao su khai thác từ cây shiringa mang lại cho cộng đồng bản địa cơ hội tạo thu nhập và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông Geremías Apikai, một người Awajun bản địa, đã khai thác cao su từ cây shiringa cách đây 7 năm. Người đàn ông 54 tuổi này sống trong cộng đồng Datem Entsa ở Khu bảo tồn cộng đồng Tuntanain, một khu vực tự nhiên được bảo vệ ở tỉnh Condorcanqui, miền Bắc Peru. Nơi này có hơn 1.850 ha shiringa.
Năm 2015, ông Apikai là một trong những người đầu tiên trong cộng đồng này tham gia vào EBA Amazon, một dự án của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Cơ quan Quốc gia về các khu vực tự nhiên được nhà nước bảo vệ (SERNANP) do Chính phủ Đức tài trợ. Dự án đã hoạt động trong khu vực được 4 năm nhằm hỗ trợ các cộng đồng bản địa dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Miếng cao su shiringa đầu tiên đã giúp ông Apikai kiếm được hơn 65 USD, gấp đôi thu nhập thông thường của người thuộc nhóm dân số nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất ở Peru. Kết quả này khuyến khích các gia đình trở thành một phần của “doanh nghiệp xanh”. Hiện đã có 3 gia đình ở cộng đồng Datem Entsa tham gia vào dự án khai thác cao su thiên nhiên bền vững.
Rừng bao phủ 30% bề mặt Trái Đất và là môi trường sống quan trọng của hàng triệu loài, nguồn cung cấp không khí và nước sạch và là lá chắn rất quan trọng để chống lại biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu của LHQ cho thấy rừng có thể tạo thêm 80 triệu việc làm xanh và giúp 1 tỷ người thoát khỏi đói nghèo. Khoảng 1,6 tỷ người phụ thuộc vào rừng để kiếm sống.
Rõ ràng đầu tư vào rừng và lâm nghiệp là đầu tư vào con người, đặc biệt là người nghèo ở nông thôn, thanh niên và phụ nữ. Với chủ đề của Ngày Quốc tế bảo vệ rừng năm nay là “Rừng và sản xuất và tiêu thụ bền vững”, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đầu tư và khai thác hoạt động kinh tế rừng trong khi không ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Có thể nói, tầm quan trọng của phát triển và bảo vệ rừng từ lâu đã được thế giới quan tâm. Năm 2015, tất cả các quốc gia thành viên LHQ đã thông qua chính sách phát triển bền vững, xoay quanh 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), trong đó, Mục tiêu 15 liên quan đến việc sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên đất liền, quản lý bền vững rừng, chống sa mạc hóa và phục hồi đất suy thoái. Tuy nhiên, nạn phá rừng toàn cầu vẫn tiếp diễn ở mức báo động.
Một nghiên cứu công bố tuần trước trên tạp chí Nature Climate Change báo động Amazon, rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới đang đến gần tình trạng bị hủy hoại “không thể khắc phục được”, chủ yếu do cháy rừng và nạn phá rừng. Điều này nghĩa là Amazon đang mất dần khả năng phục hồi và đang ở ngưỡng “chết dần”.
Tình trạng này xảy ra khi các yếu tố như hạn hán, cháy rừng, biến đổi khí hậu và phá rừng cùng làm giảm khả năng phục hồi của rừng. Nếu rừng Amazon “chết” có thể gây ra những hậu quả to lớn cho toàn cầu. Amazon bao phủ phần lớn của Nam Mỹ và là nơi sinh sống của khoảng 25% tổng đa dạng sinh học trên Trái Đất. Hơn nữa, cánh rừng này còn là “lá phổi xanh” hấp thu phần lớn CO2 trong khí quyển. Nếu không có “lá phổi” này, nhiệt độ toàn cầu nhất định sẽ tăng lên.
Nếu tính tổng diện tích rừng trên thế giới, lượng CO2 do rừng hấp thụ đủ để bù đắp gấp rưỡi lượng carbon mà nước Mỹ thải ra mỗi năm. Tuy nhiên, khi rừng bị mất hoặc suy thoái, khí thải carbon mà cây cối đã thu nhận từ khí quyển và lưu trữ trong nhiều thế kỷ sẽ được giải phóng.
Vào năm 2020, 2,5 tỷ tấn CO2 đã được thải lại vào khí quyển do việc mất rừng nhiệt đới. Ngoài ra, các khu rừng trên thế giới đóng vai trò như "lá chắn" ngăn các bệnh truyền nhiễm từ động vật, có nghĩa là đánh mất rừng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Trên thực tế, cứ 3 đợt bùng phát các bệnh mới, ví dụ HIV và SARS, thì có 1 đợt liên quan đến phá rừng và các thay đổi sử dụng đất .
Sản xuất cao su shiringa là một ví dụ về khai thác tài nguyên rừng mà không gây mất rừng, thay vào đó thúc đẩy việc chăm sóc rừng. Hay theo như lời ông Apikai: “Tôi muốn có thể khai thác và chăm sóc cây shiringa cả đời. Tôi rất vui vì công việc khai thác cao su này không làm chết cây. Đây là lý do tại sao tôi muốn gia đình tôi, các con và vợ tôi cùng học công việc này”.
Một nỗ lực khác nhằm thúc đẩy khai thác rừng bền vững nhân dịp 21/3 năm nay là Ủy ban Kinh tế LHQ về châu Âu (UNECE) tổ chức sự kiện trực tuyến tập trung vào cách các công ty hàng đầu trong lĩnh vực dệt may và thời trang đang xây dựng mối quan hệ bền vững giữa khai thác rừng và các mô hình sản xuất tuần hoàn, tăng cường tái sử dụng và tái chế nhằm giảm phát thải CO2, chất thải và ô nhiễm.
Rừng cung cấp thực phẩm, nước, chất xơ, dược liệu, nguyên liệu thô cho sản xuất công nghiệp… cho cả thế giới. Nhưng việc tiêu thụ các sản phẩm khai thác từ rừng đang dẫn đến suy thoái rừng và nạn phá rừng trên khắp thế giới. Tập đoàn P&G là một công ty thu lợi nhuận từ việc khai thác rừng để tạo ra những hàng hóa phổ biến như giấy vệ sinh, khăn giấy, dầu gội đầu và nhiều sản phẩm khác. Năm 2020, đa số cổ đông của công ty đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết kêu gọi P&G tăng cường nỗ lực giảm thiểu mất rừng và suy thoái rừng trong chuỗi cung ứng của mình.
Tại Việt Nam, Quyết định số 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 1/4/2021 chỉ rõ, đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, đề án 1 tỷ cây xanh là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế.
Về mặt kinh tế, việc trồng cây xanh phân tán tại khu vực đô thị và nông thôn, ngoài tác dụng cảnh quan, giải trí, các cây đa tác dụng còn cho sản phẩm là hoa, quả, thực phẩm dược liệu,... góp phần tạo thu nhập tăng thêm từ lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho tiêu dùng thông qua các mô hình nông lâm ngư kết hợp cho người dân tham gia trồng và bảo vệ cây xanh. Bên cạnh đó, với 180.000 ha rừng trồng tập trung trong đó có 150.000 ha rừng trồng sản xuất, ước tính tạo ra được khoảng 15 triệu m3 gỗ, củi phục vụ cho tiêu dùng và chế biến, ngoài ra với tổng diện tích 180.000 ha rừng tập trung được trồng mới, dự kiến sẽ hấp thụ khoảng 9 triệu tấn CO2 tương đương, tương ứng với giá trị 4,5 triệu USD.
Về xã hội, việc thực hiện đề án sẽ nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, phát triển cây xanh trong toàn xã hội, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia.
Ngày 21/3 năm nay cũng đánh dấu năm thứ 10 thế giới tổ chức Ngày Quốc tế bảo vệ rừng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng. Khai thác và tiêu thụ sản phẩm do rừng mang lại theo cách thân thiện hơn với môi trường, bảo vệ và xây dựng mối quan hệ bền vững với rừng chính là cách để con người có thể hưởng lợi lâu dài từ rừng.