Theo giới chức Panama, dự án Kênh khô đa phương thức sẽ sử dụng các cơ sở hạ tầng hiện có như các tuyến đường bộ, đường sắt, các cảng, sân bay và khu vực miễn thuế. Do đó, dự án không cần bất kỳ khoản đầu tư nào. Tổng thống Panama Laurentino Cortizo cũng đã công bố sắc lệnh đơn giản hóa thủ tục vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ qua eo đất này. Giám đốc Viện kế hoạch phát triển nhà nước Panama Guillermo Salazar cho rằng dự án nhằm mục đích bổ sung cho kênh đào Panama và giải quyết các vấn đề mà người sử dụng kênh phải đối mặt.
Tuyến đường thủy liên đại dương này là nơi trung chuyển của khoảng 6% thương mại hàng hải toàn cầu, nhưng hạn hán do biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino đã buộc chính quyền địa phương phải hạn chế số lượng tàu đi qua. Hiện mỗi ngày có 27 tàu đi qua kênh đào Panama, giảm so với 39 tàu trước đây. Điều này đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông với một số ngày ghi nhận hơn 100 tàu xếp hàng chờ để được đi vào tuyến đường thủy dài khoảng 80 km. Để tránh bị chậm trễ, một số tàu đã trả thêm đến 4 triệu USD ngoài phí thông thường để được đi qua kênh đào.
Trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào kênh đào Panama, một số nước trong khu vực cũng đang lên kế hoạch cho giải pháp thay thế. Hồi tháng 12/2023, Mexico đã công bố một tuyến đường sắt xuyên đại dương được coi là giải pháp thay thế cho kênh đào. Honduras hồi tháng 2 năm nay cũng đã nêu ra một dự án đầy tham vọng về tuyến đường sắt chở hàng giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương dù nước này hiện thiếu nguồn tài chính để xây dựng.
Không giống như kênh đào Suez, kênh đào Panama là kênh nước ngọt phụ thuộc vào lượng nước từ những cơn mưa lưu trữ trong 2 hồ nhân tạo vốn cũng là nguồn cung cấp nước ngọt quan trọng, nên dễ bị ảnh hưởng trước tình trạng hạn hán. Kênh đào Panama, chủ yếu do khách hàng ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sử dụng, có hệ thống âu tàu để nâng và hạ tàu. Do đó, cứ mỗi tàu đi qua kênh đào này, 200 triệu lít nước ngọt sẽ đổ ra biển.