Trung Quốc đang tiến hành lấp đất cát, cải tạo một số ghềnh đá ở quần đảo Trường Sa, nhằm tạo ra những hòn đảo có thể xây dựng các công trình, thiết bị, hỗ trợ cuộc sống con người. Việc cải tạo này gây quan ngại với nhiều nước trong khu vực và Mỹ - nước xem hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là gây bất ổn.
Một số nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh có thể sẽ quyết tâm khẳng định chủ quyền đối với các thực thể đảo này, từ đó tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ). Khu vực EEZ này được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.
Ảnh vệ tinh do Philippines công bố "tố" Trung Quốc cải tạo đất ở một số bãi đá ở Trường Sa. Ảnh: Reuters |
Nhưng trước hết, Bắc Kinh sẽ có một quãng thời gian khó khăn để thuyết phục tòa án quốc tế rằng: Các đảo mới này đủ điều kiện làm cơ sở xác lập EEZ. Điều 60 của UNCLOS quy định: “Các đảo, công trình và cấu trúc nhân tạo không sở hữu quy chế của đảo. Chúng tự thân không có vùng lãnh hải và sự hiện diện của chúng không ảnh hưởng đến các vùng biển chồng lấn, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa”. Tuyên bố như vậy là rõ ràng, dù Bắc Kinh có thể cự cãi rằng, các đảo mới này hoàn toàn không phải là nhân tạo, vì các ghềnh đá đã hiện diện từ trước khi có việc cải tạo đất.
Đến đây, lại phải soi chiếu thêm Điều 121 của UNCLOS định nghĩa thế nào là đảo: “Đảo là một vùng đất được hình thành tự nhiên, bao bọc bởi nước biển và nổi trên bề mặt khi triều cường”. Dựa trên khái niệm này, giáo sư Lawrence Juda thuộc Đại học Rhode Island ở Kingston (Mỹ) nhận xét: “Một đảo nhân tạo vì thế không đủ điều kiện để được xem là ‘đảo’ gắn liền với quyền lợi như những đảo được hình thành một cách tự nhiên”. Nếu Trung Quốc muốn sử dụng các đảo mới này để tuyên bố EEZ, thì “tôi nghĩ tuyên bố này là không hợp pháp và không được công nhận, không chỉ với Philippines, mà với các quốc gia biển khác như Mỹ. Chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc về EEZ dựa trên đảo nhân tạo sẽ tạo ra một tiền lệ khủng khiếp”, ông Juda chia sẻ.
Hoài Thanh (
Theo New York Times)