Phán quyết ngày 28/2 của Ủy ban giải quyết tranh chấp WTO đã nhất trí với khiếu nại của Mỹ rằng Trung Quốc đã trợ cấp quá nhiều cho nông dân nước này đối với các loại nông sản gồm: lúa mì, gạo Indica và gạo Japonica trong giai đoạn từ năm 2012-2015.
Theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, việc Trung Quốc trợ giá quá cao đã hạn chế cơ hội để nông dân Mỹ có thể xuất khẩu các mặt hàng cùng loại vào Trung Quốc. Ông đề nghị Bắc Kinh sớm tuân thủ các nghĩa vụ của WTO.
Trong khi đó, Trung Quốc đã phản đối phán quyết trên, đồng thời khẳng định việc chính phủ nước này hỗ trợ nông nghiệp hoàn toàn tuân thủ các nguyên tắc của WTO. Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ Bắc Kinh sẽ tăng cường phát triển nông nghiệp theo đúng những quy định của WTO cũng như đảm bảo sự ổn định của hệ thống thống mại đa phương.
Tháng 9/2016, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ đã khiến kiện lên WTO, cho rằng Trung Quốc đã hỗ trợ cho nông dân nước này quá mức quy định của WTO tới gần 100 tỷ USD. Động thái trên đã khuyến khích nông dân sản xuất nhiều hơn, kéo giá thị trường trên toàn cầu đi xuống.
Theo quy định, cả Mỹ và Trung Quốc đều có thể kháng cáo phán quyết trên. Theo giới phân tích, phán quyết cũng sẽ gây ảnh hưởng đến Ấn Độ, khi quốc gia Nam Á này hiện cũng đang rơi vào vụ kiện tương tự như của Trung Quốc tại WTO.
Trong phiên họp của ủy ban nông nghiệp WTO ngày 27/2, Mỹ và Canada cùng bác bỏ tuyên bố của Ấn Độ rằng nước này chỉ trợ giá 1,5% giá trị sản phẩm đối với các mặt hàng đậu. Theo Mỹ và Canada, mức trợ giá mà Ấn Độ đang áp dụng với các mặt hàng đậu trên thực tế là từ 31 - 85%, vượt xa quy định cho phép của WTO.