Cụ thể, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết WHO hoan nghênh quyết định của Mỹ tiếp tục là một thành viên của tổ chức này. Phát biểu trong cuộc họp của Ban chấp hành WHO, ông Ghebreyesus nói: “WHO là một gia đình bao gồm các quốc gia. Và tất cả chúng ta đều vui mừng khi Mỹ ở lại với gia đình này”.
Trước đó cùng ngày, Cố vấn y tế hàng đầu của Chính phủ Mỹ Anthony Fauci tuyên bố Mỹ vẫn là thành viên của WHO và cảm ơn tổ chức này về việc lãnh đạo công tác ứng phó đại dịch toàn cầu COVID-19.
Liên quan đến chính sách đối với người di cư và tỵ nạn, theo phóng viên TTXVN tại New York, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antoino Guterres đã hoan nghênh “những bước đi tích cực” mà chính quyền mới của Mỹ công bố. Trong tuyên bố, TTK LHQ mong muốn được làm việc với chính quyền mới của Mỹ để tăng cường hợp tác đa phương nhằm hỗ trợ người di cư và người tỵ nạn. Ông Antonio Guterres cũng “hy vọng sẽ chứng kiến Mỹ tham gia Hiệp ước toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên”. TTK LHQ đánh giá sự hỗ trợ của Mỹ nhằm giải quyết các nhu cầu của người di cư và tỵ nạn là “rất mạnh mẽ và kiên định”.
Về phần mình, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi chúc mừng tân Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ, đồng thời cam kết phối hợp với chính quyền mới của Mỹ để tăng cường hỗ trợ toàn cầu cho người tỵ nạn. Trong tuyên bố, ông Filippo Grandi cho rằng “là một người ủng hộ mạnh mẽ cho người tỵ nạn, ông Joe Biden đã có những cam kết quan trọng để khôi phục chương trình tái định cư cho người tỵ nạn Mỹ, và đảm bảo nhân quyền cũng như các giá trị nhân đạo là trung tâm của hệ thống tỵ nạn của Mỹ”.
Một ngày trước đó, Bộ An ninh Nội địa Mỹ ra thông báo cho biết chính quyền mới của ông Biden sẽ ngừng một số quyết định trục xuất trong vòng 100 ngày tới nhằm đảm bảo "thực thi nhập cư hiệu quả và công bằng" và tập trung vào đảm bảo an ninh tại biên giới Mỹ - Mexico cũng như chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.