Đối với Tổng thống Biden, về đích trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, cuộc bầu cử được đánh giá là kịch tính và cạnh tranh nhất trong lịch sử nước Mỹ, đã vô cùng khó khăn, thì chặng đường 4 năm sắp tới còn chông gai gấp bội khi ông phải dẫn dắt cường quốc hàng đầu thế giới vượt qua giai đoạn thách thức chưa từng có, không chỉ với 3 cuộc khủng hoảng về y tế, kinh tế và sắc tộc, mà hơn nữa là một nước Mỹ chia rẽ và phân cực sâu sắc. Khơi dậy tinh thần đoàn kết của tất cả người dân để "xây dựng nước Mỹ tốt đẹp hơn", như thông điệp khi tranh cử, đang là "phép thử" đối với vị tổng thống thứ 46 của Mỹ.
Tổng thống Biden tiếp quản Nhà Trắng trong bối cảnh nước Mỹ vốn đã bị nhấn chìm trong các cuộc khủng hoảng suốt một năm qua, giờ lại đang trải qua “cú sốc” lớn bởi vụ bạo loạn ngày 6/1 tại Đồi Capitol, một biểu tượng cho nền dân chủ của quốc gia này. Sự việc những người biểu tình quá khích đụng độ với cảnh sát và tràn vào tòa nhà quốc hội, khi các nghị sĩ đang nhóm họp để xác nhận kết quả bầu cử, đã khiến người Mỹ phải đổ máu và đẩy nước Mỹ rơi vào tình trạng bất ổn hơn bao giờ hết với mối lo ngại về nguy cơ bạo lực tiếp tục xảy ra.
Trong suốt hai tuần qua, an ninh tại thủ đô Washington DC, đặc biệt là khu vực Đồi Capitol, cũng như thủ phủ 50 bang trên khắp nước Mỹ được siết chặt, nhiều biện pháp được triển khai nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình vũ trang. Không giống như không khí chào mừng tân tổng thống của những năm trước, năm nay, cả thủ đô Washington luôn được đặt trong tình trạng báo động để đối phó với bạo loạn. Khoảng 25.000 lính vệ binh quốc gia cùng các lực lượng tăng cường từ Cục Điều tra liên bang (FBI), Sở Mật vụ Mỹ, Bộ An ninh nội địa, Sở Cảnh sát Washington DC và Cảnh sát Quốc hội Mỹ được triển khai tại thủ đô, các tuyến phố ra vào trung tâm thành phố và xung quanh khu vực diễn ra lễ nhậm chức đều bị phong tỏa tới hết ngày 21/1. Người dân được khuyến cáo tham dự lễ nhậm chức của tổng thống theo hình thức trực tuyến.
Với người dân Mỹ, mức độ quân sự hóa tại thủ đô cũng như những cảnh báo được đưa ra trong dịp này chắc chắn là điều đáng buồn bởi nó phản ánh tình trạng hỗn loạn và rối ren của một nước Mỹ bị chia rẽ và phân cực ngày càng sâu sắc không những trên chính trường mà cả trong xã hội, cũng như gây tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh nước Mỹ. Còn đối với tân Tổng thống Biden, thực trạng này, cùng với cuộc khủng hoảng về y tế, kinh tế và sắc tộc, sẽ là những thách thức đối nội lớn nhất mà ông phải giải quyết ngay trong “tuần trăng mật” của nhiệm kỳ. Nhiệm vụ quan trọng và cần thiết lúc này là làm thế nào để hàn gắn đất nước sau 4 năm chia rẽ căng thẳng với những mâu thuẫn và bất đồng khó hóa giải, khôi phục lòng tin của người dân vào trật tự dân chủ, đưa nước Mỹ quay trở lại các giá trị truyền thống cũng như khẳng định vai trò dẫn dắt hàng đầu của quốc gia này đối với những vấn đề quốc tế.
Xuyên suốt trong các bài phát biểu vận động tranh cử cho tới sau ngày bầu cử 3/11/2020, thông điệp của ông Biden là kêu gọi người dân Mỹ dẹp bỏ sự tức giận, những ngôn từ đả kích, gây hấn để đoàn kết, hàn gắn và xây dựng lại đất nước. Hơn ai hết, tân Tổng thống Biden hiểu rõ những thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt sẽ không thể biến mất trong một sớm một chiều, mà đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực của cả chính quyền và người dân để có thể đưa đất nước bước sang một trang mới tốt đẹp hơn. Vì vậy, ông Biden đã cam kết sẽ triển khai mạnh mẽ nhiều chính sách trong 100 ngày đầu tiên nhằm giải quyết các vấn đề trong nước, tập trung vào việc gắn kết nước Mỹ, ngăn chặn tình trạng chia rẽ sâu sắc hiện nay, cũng như nhanh chóng đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế.
Chính quyền của ông Biden sẽ ban hành nhiều lệnh hành pháp trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ nhằm giải quyết 4 cuộc khủng hoảng hiện nay, gồm đại dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng khí hậu và khủng hoảng sắc tộc. Một chương trình lập pháp mạnh mẽ cũng sẽ được thực hiện nhằm cứu trợ hàng triệu người dân Mỹ đang phải vật lộn với khủng hoảng. Những hành động mà tân Tổng thống Biden thực hiện không chỉ nhằm đảo ngược những thiệt hại nặng nề hiện nay, mà còn nhằm đưa nước Mỹ tiến lên phía trước, với việc làm thay đổi diễn biến của đại dịch COVID-19, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng sắc tộc và hỗ trợ các cộng đồng chưa được đáp ứng về y tế và công trình công cộng, đồng thời xây dựng lại nền kinh tế Mỹ bằng cách tăng cường các trụ cột của đất nước…
Trước đó, ông Biden cũng đã công bố đề xuất gói kích thích kinh tế đầu tiên trị giá 1.900 tỷ USD mang tên “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” với nhiều biện pháp nhằm đưa Mỹ vượt qua những hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19. Theo đó, chính phủ mới sẽ sử dụng tiền của người đóng thuế để xây dựng lại nước Mỹ, khuyến khích mua sản phẩm nội địa, tạo hàng triệu việc làm trong lĩnh vực chế tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ.
Cùng với kinh tế, một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của ông là cuộc chiến với COVID-19. Ông Biden dự kiến chi 415 tỷ USD cho công tác phòng, chống dịch, trong đó 50 tỷ USD cho hoạt động xét nghiệm và 20 tỷ USD để đẩy nhanh tiến độ chương trình tiêm chủng vaccine quốc gia. Tổng thống mới còn cam kết mục tiêu chủng ngừa cho 100 triệu người dân Mỹ trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ.
Không chỉ tập trung vào vấn đề đối nội, chính quyền mới cũng sẽ nhanh chóng thực hiện các ưu tiên trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là tái gia nhập các tổ chức, liên minh và thỏa thuận mà cựu Tổng thống Donald Trump đã tìm cách làm suy yếu hoặc chấm dứt trong 4 năm qua. Nhiệm vụ đầu tiên mà ông Biden cam kết ngay khi lên nắm quyền là đưa nước Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, hủy bỏ lệnh cấm đi lại với 7 quốc gia Hồi giáo và giữ Mỹ trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngoài ra, chính quyền mới cũng sẽ tìm cách sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran, củng cố quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tìm kiếm các thỏa thuận thương mại và hợp tác với các đồng minh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc biến những cam kết thành hành động không phải là điều dễ dàng. Đối với nhiệm vụ đoàn kết nước Mỹ, khi lên nắm quyền, chính quyền ông Biden được cho là phải "thừa hưởng" những thể chế bị suy yếu, những truyền thống bị đảo lộn, các cử tri bị chia rẽ và rối loạn. Cùng với đó là thái độ phản đối của nhóm cử tri trung thành với Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump, người vẫn nhận được sự ủng hộ của hơn 68 triệu người Mỹ trong cuộc bầu cử vừa qua. Chính vì vậy, không ít nhà quan sát nhận định việc hàn gắn những chia rẽ này gần như một sứ mệnh chính trị "bất khả thi". Còn cam kết “Xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn” được cho là không tạo sự khác biệt cạnh tranh với kế hoạch của ông Trump, thậm chí một số điểm sẽ khó có thể đảm bảo được lợi ích trước tiên của người dân Mỹ.
Dù vậy, với những gì mà ông Biden thể hiện trong suốt thời gian qua, nhiều người dân Mỹ vẫn có cơ sở để tin vào tương lai tốt đẹp hơn. Nhờ những mối quan hệ đã gây dựng trong suốt 36 năm làm việc tại thượng viện và 8 năm trên cương vị phó tổng thống, tân Tổng thống Biden được kỳ vọng sẽ mang lại cảm giác ôn hòa, thân mật, từ đó tạo ra sự đồng thuận lưỡng đảng để đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết các vấn đề của nước Mỹ.
Ông Biden và Phó Tổng thống Kalam Harris có thể sẽ cho thấy sức mạnh của sự thấu hiểu và cảm thông còn lớn hơn cơn giận dữ của chia rẽ, để chia sẻ một tầm nhìn giúp thu hẹp bất đồng, xoa dịu phần nào những cử tri vốn ủng hộ ông Trump, đồng thời lắng nghe tiếng nói của các nhóm trẻ tuổi và đa chủng tộc, quan tâm tới lợi ích của các nhóm thiểu số... Việc lần đầu tiên sau nhiều năm, đảng Dân chủ kiểm soát cả lưỡng viện quốc hội và chính quyền rõ ràng cũng tạo điều kiện thuận lợi để ông Biden thực hiện các chương trình nghị sự trong 4 năm tiếp theo.
Dù khó có được sự hòa hợp hoàn toàn, song với những cam kết và hành động mạnh mẽ ngay trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, tân Tổng thống Biden cùng đội ngũ của ông vẫn đem lại niềm hy vọng cho người dân Mỹ về một nước Mỹ sẽ hưng thịnh trở lại với các giá trị truyền thống và thể hiện vai trò của một cường quốc thế giới.