Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Ghebreyesus nêu rõ: "Các làn sóng mới cho thấy một lần nữa dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc. Virus SARS-CoV-2 đang tự do lưu hành và các nước không quản lý tốt gánh nặng bệnh tật dựa trên năng lực của các nước, cả về tình trạng nhập viện đối với các ca bệnh nghiêm trọng và ngày càng nhiều người mắc hội chứng hậu COVID".
Ông Ghebreyesus cũng bày tỏ lo ngại về số ca mắc COVID-19 ngày một gia tăng, gây áp lực hơn nữa lên hệ thống và nhân viên y tế vốn đã bị kéo căng. Theo người đứng đầu WHO, trong bối cảnh số ca mắc và nhập viện gia tăng, chính phủ các nước cũng phải triển khai các biện pháp đã được áp dụng như đeo khẩu trang, cải tạo hệ thống thông gió, tăng cường xét nghiệm và đề ra phương pháp điều trị.
Trong khi đó, Ủy ban tình trạng khẩn cấp thuộc WHO trong cuộc họp trực tuyến ngày 8/7 đã xác định bệnh COVID-19 vẫn là Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC), mức báo động cao nhất của WHO. Ủy ban trên bao gồm các chuyên gia độc lập, cho biết số ca mắc đang gia tăng, virus vẫn đang phát triển và gây áp lực lên hệ thống y tế ở một số nước, đồng nghĩa là tình hình dịch bệnh vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp.
Theo Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, số ca mắc COVID-19 thông báo lên WHO đã tăng 30% trong hai tuần qua chủ yếu do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron gây ra, cũng như việc các nước dỡ bỏ các biện pháp phòng chống.
Ông Ryan cho biết những thay đổi mới đây trong chính sách xét nghiệm đang cản trở việc phát hiện các ca bệnh và giám sát sự phát triển của virus gây bệnh.
Ủy ban tình trạng khẩn cấp cũng bày tỏ lo ngại về việc giảm mạnh hoạt động xét nghiệm dẫn tới giảm hoạt động giám sát và giải trình tự bộ gene virus SARS-CoV-2 .