Theo trang Bloomberg ngày 20/12, các lệnh trừng phạt gần đây mà Mỹ áp đặt với thực thể vi phạm trần giá dầu 60 USD/thùng có thể một phần là lý do.
Ngày 16/11, Bộ Tài chính Mỹ xử phạt tàu NS Century của công ty vận tải Sovcomflot (Nga) vì vi phạm trần giá.
Hai ngày sau, con tàu dừng lại ở phía Nam Sri Lanka trong khi chở dầu của Nga đến cảng Vadinar của Ấn Độ.
Hai tàu chở dầu nữa đang hướng đến một cảng khác tên là Paradip của Ấn Độ cũng dừng đột ngột trước khi đến đích. Một tàu khác có thể sẽ sớm dừng lại trước khi tới được cảng Paradip.
Năm trong số các tàu đang lênh đênh ngoài biển thuộc về công ty Sovcomflot.
Cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều bắt đầu tăng cường các biện pháp trừng phạt để thực thi trần giá với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Biện pháp này được áp dụng vào năm 2022 nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga mà không gây bất ổn cho thị trường toàn cầu.
Mặc dù Nga đã cố gắng tránh được mức trần giá này trong những tháng gần đây thông qua đội tàu chở dầu không được bảo hiểm, nhưng lợi nhuận từ dầu khí của Nga đã giảm 41% vào năm 2023 trong bối cảnh các lệnh trừng phạt bị thắt chặt.
Khi phương Tây thoát phụ thuộc vào dầu mỏ Nga, nước này đã chuyển sang các thị trường mới như Trung Quốc và Ấn Độ, bán dầu giá rẻ.
Ấn Độ là khách hàng đặc biệt quan trọng đối với Nga, vì nước này đã mua hơn 60% lượng dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, trở thành khách mua dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển nhiều thứ hai sau Trung Quốc.
Trong khi đó, ngày 20/12, liên minh quốc tế áp đặt giá trần dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga đã công bố những thay đổi đối với cơ chế tuân thủ mà Bộ Tài chính Mỹ khẳng định sẽ khiến các nhà xuất khẩu Nga khó vượt qua mức giá trần.
Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ liên minh sẽ sớm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ hàng hải phương Tây phải có được cam kết từ các đối tác rằng dầu mỏ Nga được bán dưới mức trần mỗi lần bốc/dỡ. Tuyên bố có đoạn: “Những thay đổi này sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của các nhà xuất khẩu Nga nhằm phá vỡ trần giá, đồng thời làm tăng thêm chi phí cho các nhà xuất khẩu Nga”.
Trước đó, năm 2022, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga để đáp trả việc Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cơ chế trần giá các công ty phương Tây cung cấp các dịch vụ như tài chính, bảo hiểm và vận chuyển đối với lượng dầu bán vượt mức giá trần.
Mới đây, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga. Gói trừng phạt của EU tập trung vào việc áp đặt các lệnh cấm nhập khẩu kim cương có nguồn gốc từ Nga, cũng như áp đặt thêm các lệnh cấm nhập khẩu và xuất khẩu đối với hàng hóa Nga, ngăn chặn hành vi lách luật trừng phạt và lấp lỗ hổng của các lệnh trừng phạt trước đó. Gói trừng phạt này còn bổ sung hơn 140 cá nhân và thực thể vào danh sách phong tỏa tài sản.
Về phần mình, theo hãng thông tấn TASS, ngày 19/12, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết các biện pháp trừng phạt mới của EU nhằm vào mặt hàng kim cương của Nga sẽ không mang lại lợi ích gì cho liên minh này vì thị phần của Nga trên thị trường kim cương khá ổn định.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng khẳng định Nga sẽ tránh được các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào mặt hàng kim cương của nước này.