Sự sụt giảm hoạt động tại hai sân bay quốc tế sôi động nhất của Pháp – Roissy Charles de Gaulle và Orly – càng làm trầm trọng thêm hậu quả sụt giảm kinh tế vùng.
Là khu vực hàng đầu của Pháp về du lịch cũng như tổ chức sự kiện, trong cuộc khủng hoảng COVID-19, vùng thủ đô Ile-de-France trở thành nạn nhân của chính những thế mạnh này. Đầu tàu kinh tế đóng góp đến 35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này là một trong những nơi suy yếu nhất do đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng du lịch, khách sạn, nhà hàng, sự kiện, văn hóa… tất cả hoạt động tiêu biểu ở Paris.
Theo ông Didier Kling, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Paris-Ile-de-France, cuộc đại khủng hoảng 2008-2009, ảnh hưởng chủ yếu đến lĩnh vực tài chính, đã trôi qua với ít thiệt hại hơn tình hình hiện nay.
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm quan sát khu vực về thương mại, công nghiệp và dịch vụ, doanh thu trong giai đoạn từ tháng 1-9/2020 của các doanh nghiệp trong vùng đã giảm 10,8% so với năm trước. Con số này cao hơn mức trung bình cả nước (-8,7%), đưa Ile-de-France vào vị trí thứ ba trong số các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng y tế, sau đảo Corse ( -17,2%) và vùng Bourgogne-Franche-Comté (-10,9%).
Cho dù thị trường lao động vùng Ile-de-France tăng trưởng ổn định trong 7 năm liền trước đại dịch COVID-19, số vị trí việc làm trong năm 2020 đã giảm hơn 95.000 với cuối năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến mức 8,3% trong quý III/2020, cao hơn 1,2% so với quý IV/2019.
Ngành công nghiệp của Ile-de-France, cũng như các vùng khác của Pháp, ít bị ảnh hưởng hơn. Ông Daniel Weizmann, Chủ tịch Liên đoàn giới chủ (Medef), cho biết mặc dù tập trung mạnh vào dịch vụ, Ile-de-France cũng là một trong những khu vực công nghiệp lớn nhất ở Pháp.
Nỗi lo ngại hiện nay là cuộc khủng hoảng sẽ để lại những vấn đề khiến Paris và các tỉnh vệ tinh mất đi sức hấp dẫn của những năm gần đây. Ông Didier Kling cho biết ngành tổ chức sự kiện, với 434 triển lãm thương mại, 1.192 hội nghị, hội thảo và sự kiện doanh nghiệp trong năm 2019, đang được "dõi theo" từng bước một. Cũng trong năm 2019, Paris đã củng cố vị trí số một về du lịch kết hợp công tác, vượt qua Vienna (Áo), Madrid, Barcelona (Tây Ban Nha) và Berlin (Đức), theo xếp hạng của Hiệp hội quốc tế về hội nghị và đại hội (ICCA).
Trong khi đó, Đức có thể dựa vào cấu trúc Nhà nước phi tập trung hơn Pháp và cơ sở hạ tầng phát triển của mình để thu hút các nhà tổ chức hội chợ hoặc triển lãm. Và đặc biệt là Trung Quốc, nơi mà tốc độ tăng trưởng đã trở lại, đang trở thành một đối thủ cạnh tranh "đáng gờm". Để duy trì sức hấp dẫn của Paris, không có nhiều giải pháp. Du khách quốc tế phải được cung cấp các điều kiện vệ sinh giống như ở nước họ, dù ở trung tâm hội nghị, sân bay, khách sạn, nhà hàng, hay phương tiện giao thông…
Ông Didier Kling cũng bày tỏ lo ngại nguy cơ chứng kiến các sự kiện di chuyển sang châu Á là có thật khi Thỏa thuận đầu tư mới được ký kết giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc có thể làm thay đổi sự cân bằng.
Tương lai của ngành du lịch cũng đặt ra nghi ngại. Sự vắng bóng du khách nước ngoài vào mùa Hè năm 2020 cho thấy rõ người dân Pháp không quan tâm đến tháp Eiffel hoặc cung điện Versailles, mà ưa thích kỳ nghỉ bên bờ biển hoặc ở nông thôn hơn. Từ chỗ quá tải khách du lịch trước khủng hoảng, vùng Ile-de-France đã trở nên vắng lặng, với công suất thuê phòng khách sạn chỉ đạt mức 39% vào mùa cao điểm tháng Bảy.
Một nỗi lo khác liên quan đến sự không hài lòng của cư dân đối với khu vực của họ. Ông Daniel Weizmann thừa nhận một vấn đề lớn sẽ xuất hiện trên thị trường lao động địa phương, khi các vị trí việc làm đang chuyển dịch do làm việc từ xa đang ngày được khuyến khích. Các số liệu về bất động sản được công bố ngày 4/1 còn gióng lên hồi chuông báo động: ở Paris, doanh số bán hàng trong năm 2020 giảm hơn 35% so với năm 2019. Theo các nhà phân tích, có lẽ đã đến lúc phải nghĩ đến một mô hình phát triển khác cho vùng thủ đô của Pháp.