Vụ tấn công xảy ra tại căn cứ Tanf và không có binh sĩ Mỹ nào thương vong. Nhưng truyền thông thân Iran lại coi đây là chiến thắng, với hàm ý là đòn tấn công lớn đầu tiên của Iran vào binh sĩ Mỹ hiện diện ở Syria.
Căn cứ Al Tanf nằm ở phía Nam Syria, được thành lập từ năm 2016 trong khuôn khổ chiến dịch do Mỹ dẫn đầu chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Căn cứ này nằm ở khu vực chiến lược gần cửa khẩu Tanf của Syria với Iraq và Jordan. Chính phủ Syria đã nhiều lần phản đối việc Mỹ đồn trú tại đây.
Chưa rõ lực lượng chịu trách nhiệm cho đợt đột kích này. Nhưng Tanf từng là mục tiêu tập kích bằng UAV bởi các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan và một số nhóm dân quân thân Iran đang hiện diện trên lãnh thổ Syria. Vụ tấn công nhằm vào căn cứ Tanf xảy ra vài ngày sau khi lực lượng dân quân thân Iran thề sẽ trả thù cho một cuộc không kích, được cho là do Mỹ và Israel phối hợp thực hiện, gần khu vực Palmyra ở miền trung Syria làm một số binh sĩ thiệt mạng.
Phát biểu tại buổi họp báo ngày 25/10, phát ngôn viên Lầu Năm góc John Kirby từ chối đổ tội trực tiếp cho Iran là thủ phạm thực hiện loạt tấn công bằng rocket và drone nhằm vào căn cứ Tanf. Ông chỉ mô tả đây là đợt tấn công tinh vi, có điều phối và có chủ đích, giống với nhiều vụ khác do các nhóm dân quân thân Iran tiến hành.
Truyền thông thân Iran không tìm cách che giấu, bào chữa cho vai trò can dự của Tehran và các nhóm chiến binh thân Iran. Hãng tin Fars News (Iran) bình luận vụ tấn công nhằm vào căn cứ Mỹ cho thấy “sức mạnh và sự quyết đoán” của lực lượng liên minh ở Syria và đây sẽ là nhân tố làn thay đổi cán cân sức mạnh tại Syria theo hướng có lợi cho lực lượng liên minh.
Mạng tin al-Ahed có liên hệ với phong trào Hezbollah ở Lebanon bình luận đòn tấn công mới này báo hiệu sự khởi đầu của “một giai đoạn đối đầu mới” mà ở đó Iran và lực lượng đồng minh sẽ giúp giải phóng Syria khỏi sự chiếm đóng của lính Mỹ. Mạng tin này viện dẫn luận điểm Mỹ buộc phải rút quân khỏi Afghanistan và mọi chuyện chỉ xảy ra “dưới sức ép của các chiến dịch quân sự, chứ không phải là sức ép về chính trị hay ngoại giao”.
Leo thang tấn công căn cứ Tanf nhiều khả năng có liên quan đến triển vọng mờ mịt về nối lại đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran - Ali Alfoneh, chuyên gia về Iran tại Viện các quốc gia vùng Vịnh Arab nhận định. Cho đến nay, chính quyền theo đường lối cứng rắn tại Tehran chưa phát đi tín hiệu nào về mong muốn trở lại bàn đàm phán. Robert Malley, đặc phái viên của Mỹ về Iran, mới đây đã phải lên tiếng cảnh báo nỗ lực khôi phục đàm phán đang ở “giai đoạn quan trọng” và không phải cứ kéo dài mãi.
Theo Alfoneh, Iran có thể đang tìm kiếm ưu thế nhằm tạo lập những điều khoản mới một khi trở lại đàm phán. Ưu thế đó được thiết lập thông qua việc phô diễn, minh chứng khả năng hủy diệt binh sĩ Mỹ ở khu vực. Một số cuộc tấn công tương tự có thể diễn ra, nhưng sẽ không có tấn công lớn, bởi Tehran không có ý leo thang chiến tranh. “Đó là một phần của đàm phán. Iran không thể đàm phán mà không có sức ép quân sự khi mà Mỹ gần như đang nắm mọi quân bài”, chuyên gia này nói.