Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong một tuyên bố, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận về vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và cho biết giới chức nước này đang tham vấn chặt chẽ với Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như các đồng minh và đối tác khác trong khu vực. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ bày tỏ quan ngại về những hành động này và kêu gọi Triều Tiên tránh các hành động có thể gây bất ổn tình hình khu vực. Lầu Năm Góc đánh giá vụ phóng "không gây ra mối đe dọa ngay lập tức cho nhân viên, lãnh thổ của Mỹ hoặc của các đồng minh" và cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.
Cùng ngày, người phát ngôn của Lầu Năm Góc John Kirby bày tỏ quan ngại, hối thúc Triều Tiên chấm dứt những hành động phóng tên lửa và tham gia đối thoại trở lại. Đánh giá về việc Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo vào ngày 4/5 (giờ Seoul), ông nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn đang phân tích vụ phóng tên lửa mới nhất này, nhưng khẳng định năng lực tên lửa của Triều Tiên sẽ gia tăng ngay cả khi vụ phóng thử thất bại.
Các quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản trước đó đã cảnh báo về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ra vùng biển phía Đông của nước này. Phía Hàn Quốc cho rằng vật thể bay trong vụ phóng này là một tên lửa đạn đạo, được phóng đi từ sân bay Sunan ở Bình Nhưỡng lúc 12h03 ngày 4/5 giờ địa phương - tức 10h03 cùng ngày giờ Việt Nam. Theo JCS, vật thể đã bay xa 470 km và đạt độ cao tối đa 780 km với vận tốc Mach 11. Nhật Bản cũng nhận định vật thể bay nói trên là một tên lửa đạn đạo, đạt độ cao tối đa khoảng 800 km và bay xa khoảng 500 km trước khi rơi xuống khu vực biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Đây là vụ phóng vật thể bay thứ 14 của Triều Tiên kể từ đầu năm đến nay. Ngày 24/3 vừa qua, Triều Tiên cũng đã phóng thử một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới mà nước này đặt tên là Hwasong-17. Vụ phóng thử này cũng được tiến hành tại khu vực gần Sunan, đạt các thông số lớn nhất từ trước đến nay về cả thời gian bay và độ cao.