Cụ thể, thông báo của Cơ quan tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn (Basarnas) nêu rõ cơ quan này đã tìm kiếm và hoàn tất bàn giao 239 phần thi thể nạn nhân, 40 mảnh vỡ nhỏ và 33 mảnh vỡ lớn. Trong khi đó, Cơ quan nhận dạng nạn nhân thảm họa của Cảnh sát Quốc gia Indonesia (DVI) cũng xác định thêm danh tính của 6 nạn nhân, nâng tổng số nạn nhân của chiếc máy bay gặp nạn số hiệu SJ – 182 được xác định lên 12 người. Trong số 12 nạn nhân đã được xác định danh tính có 1 nữ tiếp viên hàng không 23 tuổi của chuyến bay SJ-182, số còn lại là hành khách có độ tuổi từ 23 đến 51 tuổi. Việc xác định danh tính được cơ quan chức năng Indonesia thực hiện theo phương pháp y học hiện đại nhất hiện nay.
Người đứng đầu Basarnas, ông Bagus Puruhito khẳng định hoạt động tìm kiếm và cứu nạn sẽ được thực hiện cho đến khi xác định được tất cả các nạn nhân. Đây là ưu tiên hàng đầu của Basarnas, với mục đích cuối cùng là tìm thấy và xác định chính xác và đầy đủ số nạn nhân của vụ tai nạn. Ông Bagus Puruhito cũng cho biết việc tìm kiếm các bộ phận máy bay là nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban an toàn giao thông vận tải Quốc gia (KNKT), giúp cho quá trình điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn máy bay nhanh chóng và chính xác hơn.
Cho đến nay, chiếc hộp đen thứ nhất của máy bay SJ-182 đã được trục vớt và tải dữ liệu. Tuy nhiên, chiếc hộp đen thứ hai -thiết bị ghi âm buồng lái (CVR), vẫn chưa được tìm thấy. Do vậy, các lược lượng tìm kiếm vẫn đang tập tìm thiết bị này nhằm đẩy nhanh quá trình điều tra xác định nguyên nhân tai nạn máy bay. Hiện khu vực tìm kiếm được thu hẹp xung quanh nơi phát hiện chiếc hộp đen thứ nhất của máy bay. Đây là khu vực có độ sâu khoảng 20m và được đánh giá là thuận lợi cho quá trình dò tìm tín hiệu của rada.
Trước đó, chiều 9/1, chuyến bay mang số hiệu SJ-182 của hãng hàng không Sriwijaya Air (Indonesia), thực hiện hành trình từ Jakarta tới thành phố Pontianak, thủ phủ của tỉnh West Kalimantan, đã gặp nạn sau khi cất cánh ít phút và rơi xuống vùng biển ngoài khơi thủ đô Jakarta. Toàn bộ 62 người trên máy bay, gồm 50 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng. Được biết, máy bay này đã hoạt động 27 năm. Đây là vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất tại Indonesia kể từ sau vụ máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Lion Air rơi xuống vùng biển Java khiến 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng năm 2018.
Ngày 15/1, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Christopher Miller, đã điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto để gửi lời chia buồn về vụ tai nạn máy bay. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết nước này sẵn sàng trợ giúp Indonesia trong các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ chiếc máy bay trên. Ngày 14/1, các hoạt động tìm kiếm đã được nối lại sau khi phải tạm ngừng từ chiều 13/1 do thời tiết xấu. Hiện lực lượng tìm kiếm, cứu hộ của Indonesia được chia ra thành 6 nhóm tìm kiếm trên mặt nước và 4 nhóm tìm kiếm dưới nước.