Trên trang nhất của Le Figaro là bức hình Nhà thờ Đức Bà Paris chụp từ trên cao với tiêu đề "Nhà thờ Đức Bà: Câu hỏi về tái thiết". Xây dựng lại y như cũ hay mạnh dạn có sáng tạo về kiến trúc? Tương tự, báo Le Monde đặt vấn đề "có nên phục dựng Nhà thờ Đức Bà y như xưa?". Theo cựu kiến trúc sư trưởng công trình này, việc phục dựng giống hệt như trước là điều "hầu như không thể thực hiện được". Việc thẩm định những hư hại và giữ ổn định địa điểm sẽ mất rất nhiều thời gian và khó thể hoàn thành trong 5 năm. Trong bài viết mang tên "Vì một Vương cung Thánh đường của thế kỷ 21", Le Monde đánh giá cao quyết tâm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi ông cho biết sẽ "trùng tu Nhà thờ Đức Bà đẹp hơn trước", nhưng cho rằng cần thận trọng, bởi đó là một di sản độc đáo, chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử và là một hình ảnh đã bắt rễ lâu đời qua nhiều thế hệ người Paris.
Le Figaro nhắc lại câu nói của Eugène Viollet-le-Duc, kiến trúc sư nổi tiếng thế kỷ 19 đã trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris nói: "Người nghệ sĩ phải hoàn toàn nép mình phía sau. Đây không phải là làm nghệ thuật, mà là tuân thủ theo nghệ thuật của một thời đại đã đi vào dĩ vãng. Việc tái thiết có thể gây thiệt hại cho di tích nhiều hơn cả sự tàn phá của những thế kỷ qua".
Đối với nhiều người dân Paris, vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà khiến họ phải tự trách mình. Họ là những người đã không biết bao lần đi qua nhà thờ, cứ nghĩ lần khác sẽ vào thăm, thảnh thơi đi dạo ở khu vườn bên cạnh, nhưng cuộc sống tất bật cứ cuốn lấy họ và cơ hội vào thăm nhà thờ cứ lần lượt trôi đi. Thế rồi vụ hỏa hoạn đã đốt cháy sự chểnh mảng của họ và hồi chuông báo động đã đánh thức cái thú mỗi ngày được ngắm nhìn ngôi đại giáo đường, cảm thấy được ưu đãi khi được sống ở một trong những thành phố xinh đẹp nhất thế giới - thủ đô Paris. Và giờ đây họ thực sự thấy nuối tiếc.