Vụ bê bối của Facebook sẽ làm thay đổi mạng xã hội thời gian tới?

Bê bối liên quan đến việc thu thập dữ liệu người sử dụng Facebook đã thêm căng thẳng trong ngày 20/3 và dự kiến trong thời gian tới sẽ tác động mạnh với mạng xã hội này.

Tờ New York Times (Mỹ) và truyền thông Anh đưa tin rằng công ty tư nhân Cambridge Analytica (Anh) đã cố gây ảnh hưởng với cử tri Mỹ qua việc sử dụng thông tin của 50 triệu tài khoản Facebook.

Theo tờ Guardian, công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica từng hợp tác với đội ngũ vận động bầu cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như chiến dịch ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.

Cambridge Analytica đã khẳng định không hề sử dụng dữ liệu của Facebook trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ý hoài nghi tuyên bố này.

Lãnh đạo Facebook, ông Mark Zuckerberg. Ảnh: Fortune

New York Times cho biết bản sao các dữ liệu người sử dụng Facebook thu thập cho Cambridge Analytica vẫn còn xuất hiện trên mạng Internet. Mọi việc khởi đầu từ việc nhà khoa học Aleksandr Kogan tại Đại học Cambridge (Anh) viết ứng dụng có tên thisisyourdigitallife, trong đó người sử dụng sẽ được trả tiền để thực hiện kiểm tra tính cách và dữ liệu của họ sẽ lưu lại cho mục đích khoa học.

270.000 người đã tải ứng dụng thisisyourdigitallife về máy và đăng nhập bằng tài khoản Facebook của họ. Ứng dụng thisisyourdigitallife thu thập dữ liệu của người tải và bạn bè họ trên Facebook. Vấn đề nảy sinh ở chỗ ông Kogan sau đó chuyển chúng cho Cambridge Analytica. Những người tham gia thisisyourdigitallife đồng ý để Kogan truy cập thông tin về tên, nơi ở, độ tuổi, giới tính, những trang họ đã “thích” và dữ liệu về “bạn trên Facebook” của họ.

Về phần Facebook, công ty này cho biết ông Kogan thu thập dữ liệu cho mục đích khoa học nhưng việc ông này chuyển dữ liệu cho Cambridge Analytica đã vi phạm chính sách của Facebook. Ngày 16/3, Facebook đã chặn ông Kogan và công ty Cambridge Analytica không được truy cập vào trang mạng xã hội này.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Cambridge Analytica bắt đầu hoạt động thu thập dữ liệu người sử dụng Facebook từ năm 2014. Cambridge Analytica khẳng định đã xóa mọi dữ liệu trong năm 2015. Ngày 19/3, Facebook thông báo Cambridge Analytica đồng ý hợp tác với đoàn kiểm tra do Facebook thuê.

Giám đốc Điều hành Cambridge Analytica - ông Alexander Nix. Ảnh: Zero Hedge

Vào ngày 19/3, cổ phiếu của Facebook tụt sâu khiến tài sản của công ty này “bốc hơi” 37 tỷ USD. Đồng sáng lập viên Facebook, tỷ phú Mark Zuckerberg, vẫn chưa lên tiếng chính thức kể từ khi bê bối xảy ra với công ty trong ngày 16/3.

Kênh truyền hình CNN đánh giá những rắc rối từ vụ bê bối dữ liệu cá nhân của người dùng đang gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của Facebook, vốn dựa vào hơn 1,4 tỷ người dùng mạng xã hội này mỗi ngày.

Khi tương tác trên Facebook, người sử dụng đã phần nào bộc lộ thông tin cá nhân như điều họ thích, bạn của họ là ai, họ muốn xem gì, những nơi họ từng tới (check-in)… Những dữ liệu cá nhân này chính là “sản phẩm” mà Facebook bán cho các nhà quảng cáo muốn nhắm đến nhóm khách hàng nhất định.

Nếu bê bối liên quan đến Cambridge Analytica kéo theo việc quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân được thiết chặt hơn hoặc hạn chế người sử dụng chia sẻ nhiều về chính họ trên mạng thì điều này có thể gây “tổn thương” cho nguồn thu của Facebook cũng như nhiều mạng xã hội khác. Xa hơn, vụ việc có thể dẫn tới những thay đổi mang tính căn bản trong hoạt động của các mạng xã hội.

Trong khi đó, ông Zuckerberg đang đối mặt với yêu cầu ra điều trần từ các nhà lập pháp tại Mỹ và Anh. Thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ Mark Warner đăng trên mạng xã hội Twitter: “Người Mỹ xứng đáng nhận được câu trả lời về việc mạng xã hội can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016”.

Nhà phân tích Heath Terry tại Ngân hàng Goldman Sachs nhận định với hãng tin CNBC rằng: “Vụ bê bối sẽ tạo ra những rủi ro mà Facebook chưa từng gặp phải trước đây”.

Ông Terry cũng cho biết các công ty công nghệ phát triển nhanh chóng thường có khả năng gặp phải khủng hoảng tương tự. Ông đề cập đến vụ bê bối liên quan đến gian lận quảng cáo từng khiến Google điêu đứng.

“Điều này cũng tương tự với Facebook. Nó sẽ xoay quanh phương thức Facebook xử lý đồng thời quyết định tương lai dài hạn của công ty này”, ông Terry cho hay.

Hà Linh/Báo Tin tức
Núp dưới bóng Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin, IS có thể ‘hồi sinh’
Núp dưới bóng Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin, IS có thể ‘hồi sinh’

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bắt đầu tái xuất tại một số khu vực ở Syria trong bối cảnh chiến dịch tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đẩy lui lực lượng người Kurd ra khỏi Afrin – thành phố phía bắc Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN