Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Yemen, Martin Griffiths cùng Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock đã báo cáo cập nhật tình hình tại cuộc họp.
Về tình hình Yemen, giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt tại Marib, Taizz và thành phố cảng Houdaydah làm nhiều người thiệt mạng và bị thương, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Yemen đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như tình hình nhân đạo tiếp tục xấu đi, số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng mạnh, khủng hoảng kinh tế sâu rộng, giá cả tăng do thiếu hụt nhiên liệu. Gần 21 triệu người Yemen, trong đó có 11,3 triệu trẻ em, đang đối mặt nguy cơ rơi vào nạn đói và đối mặt với dịch bệnh. Các báo cáo viên hoan nghênh các sáng kiến và nỗ lực thúc đẩy hoà bình cho Yemen dưới sự bảo trợ của LHQ và thúc giục các bên liên quan sớm nối lại đàm phán chấm dứt chiến tranh; kêu gọi Ansar Allah (lực lượng Houthi) sớm giải quyết vấn đề tàu chở dầu Safer ngoài khơi Yemen.
Các nước thành viên HĐBA LHQ kêu gọi quốc tế giúp Yemen giải quyết nạn đói chống đại dịch COVID-19 và sớm giải ngân cam kết tài trợ tài chính cho Yemen. Các nước cũng kêu gọi các bên liên quan ở Yemen không cản trở tàu vận chuyển dầu vào cảng Houdaydah, thực hiện bảo vệ thường dân đồng thời kêu gọi các bên thực hiện Hiệp định Stockholm và Riyadh.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý bày tỏ quan ngại về tình hình leo thang quân sự và tấn công xuyên biên giới tại các nơi ở Yemen. Đại sứ kêu gọi các bên liên quan chấm dứt các hành động thù địch, sớm nối lại đàm phán, không tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự, không cản trở các hoạt động nhân đạo và bảo vệ các nhóm yếu thế. Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục có các hỗ trợ cho Yemen. Đại diện Việt Nam cũng thúc giục các bên đẩy mạnh việc thực hiện Hiệp định Stockholm và Hiệp định Riyadh với vai trò trung gian của LHQ.
Liên quan tới tình hình nhân đạo tại Ethiopia, Đại sứ Đặng Đình Quý ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Ethiopia trong tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) và các đối tác khác, đồng thời nhấn mạnh việc tiếp cận và bảo đảm viện trợ nhân đạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết hiện nay, đặc biệt ở khu vực phía Tây và Nam Tigray.
Đại sứ bày tỏ quan ngại về báo cáo liên quan đến các vụ giết hại và bạo lực, trong đó có bạo lực tình dục, bạo lực giới cũng như tình trạng phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự. Đại sứ kêu gọi tất cả các bên chấm dứt ngay các hành vi thù địch, tuân thủ các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế liên quan đến bảo vệ dân thường, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và bảo đảm hòa bình và an ninh trong khu vực. Đại sứ đề nghị Chính phủ Ethiopia nỗ lực hơn nữa trong bảo đảm an toàn và an ninh cho dân thường, đồng thời đẩy nhanh các cuộc điều tra hành vi bạo lực, giết người, ngược đãi dân thường và đưa những thủ phạm ra trước công lý.
Đại sứ cho rằng ưu tiên hàng đầu hiện nay là chấm dứt giao tranh, khởi động đối thoại và khởi động tiến trình chính trị; nhấn mạnh vai trò của các nước láng giềng và các tổ chức khu vực, đặc biệt là Liên minh châu Phi và Cơ quan liên chính phủ về phát triển châu Phi trong giải quyết vấn đề tại Ethiopia và khuyến khích các bên, đặc biệt là LHQ, các tổ chức khu vực và Chính phủ Ethiopia, hợp tác chặt chẽ.