Việt Nam mong muốn đóng góp nhiều hơn vào thúc đẩy hòa bình, phát triển

Việt Nam mong muốn đa dạng hóa đối tác, củng cố môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự phát triển của đất nước, đồng thời đóng góp cho hòa bình và phát triển trên thế giới. Đây là thông điệp của Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ).

Chú thích ảnh
Đại sứ Mai Phan Dũng. Ảnh tư liệu: Anh Tuấn/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Đại sứ Mai Phan Dũng đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn tổ chức Geneva Geostrategic Observatory về các chính sách của Việt Nam cũng như vai trò của hệ thống đa phương. Nội dung phỏng vấn cũng được đăng trên tờ Tribune de Genève của Thụy Sĩ.

Chia sẻ quan điểm của Việt Nam về các cuộc đàm phán đa phương tại Geneva, Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định chủ nghĩa đa phương và hội nhập quốc tế là trọng tâm của ngoại giao Việt Nam. Việt Nam luôn coi trọng các cơ chế, diễn đàn đa phương của LHQ, WTO... và chủ động tham gia các cuộc đàm phán đa phương tại Geneva, đặc biệt với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. 

Việt Nam mong muốn đa dạng hóa đối tác, củng cố môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự phát triển của mình. Điều này không chỉ giúp bảo vệ tốt hơn lợi ích quốc gia mà còn tận dụng được các nguồn lực bên ngoài để phát triển bền vững đất nước. Điều này cũng cho phép Việt Nam đóng góp vào các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết nhiều vấn đề chung cũng như thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới.

Về những thay đổi trong quan hệ quốc tế hiện nay, Đại sứ Mai Phan Dũng cho rằng hệ thống đa phương được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn chiến tranh, thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế vì sự phát triển của các quốc gia. Tuy nhiên, tình hình toàn cầu ngày nay đã thay đổi đáng kể, đặt ra những yêu cầu mới đối với hệ thống đa phương toàn cầu. Nhân loại phải đối mặt với những thách thức mới như khủng bố, nghèo đói, an ninh lương thực, dịch bệnh, thiên tai và biến đổi khí hậu… Sự phát triển của nhiều quốc gia mới nổi đã làm thay đổi cán cân quyền lực. 

Ngoài ra, sự phát triển của khoa học công nghệ đã làm thay đổi cách suy nghĩ. Các yếu tố như thiếu lòng tin, xu hướng bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc tăng cao và chính sách thực dụng cũng làm suy yếu hệ thống đa phương. Trong bối cảnh này, việc cải cách hệ thống đa phương không chỉ cần thiết mà còn cấp bách. Cuộc cải cách này phải dựa trên sự tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của mọi dân tộc. Cải cách phải thúc đẩy sự tham gia dân chủ và công bằng của các quốc gia trong quá trình ra quyết định. Theo Đại sứ, việc đánh giá toàn diện hệ thống đa phương, bao gồm các lĩnh vực an ninh, kinh tế, phát triển và tài chính, là điều cần thiết để giải quyết các thách thức toàn cầu và tăng cường lợi ích chung của tất cả các quốc gia. Đồng thời, điều quan trọng là phải hiện đại hóa và tối ưu hóa các tổ chức quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động, hợp lý hóa ngân sách và giảm chi phí hành chính. Đại sứ cho rằng, nếu làm được như vậy, hệ thống đa phương có thể được hồi sinh, theo đó giúp ứng phó tốt hơn với những thách thức của thế giới đương đại và thúc đẩy hợp tác toàn cầu vì lợi ích của tất cả mọi người.

Đề cập đến việc giảng dạy và học ngôn ngữ tiếng Pháp tại Việt Nam, Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định tiếng Pháp có một vị trí lịch sử vững chắc ở Việt Nam. Mặc dù cho đến nay tiếng Anh đã được ưu tiên hơn tiếng Pháp nhưng ngôn ngữ này vẫn là ngôn ngữ phổ biến ở Việt Nam. Ngày nay, có khoảng 700.000 người nói tiếng Pháp tại Việt Nam, tương đương gần 0,7% dân số cả nước. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc dạy tiếng Pháp với các chính sách nhằm thúc đẩy việc học tiếng Pháp từ bậc tiểu học đến đại học, ghi nhận giá trị của tiếng Pháp trên thị trường việc làm. 

Một báo cáo do Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) thực hiện năm 2023 cho thấy tiếng Pháp chiếm vị trí nổi bật và là ngoại ngữ thứ hai được học sau tiếng Anh. Năm 2021, các lớp song ngữ có khoảng 13.000 học sinh và ngoài con số này, ước tính có khoảng 60.000 người học tiếng Pháp ở các chu kỳ học tập khác nhau ở Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo tương tự của OIF cũng cho rằng, mặc dù có tiến bộ đáng kể nhưng số lượng người học tiếng Pháp ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tỷ lệ dân số được đi học. Hơn nữa, mặc dù tiếng Pháp được đánh giá cao trong hội nhập nghề nghiệp nhưng cơ hội thực sự dành cho người nói tiếng Pháp vẫn còn hạn chế. 

Vì vậy, Đại sứ cho rằng cần tăng cường mối liên hệ giữa đào tạo tiếng Pháp và nhu cầu của thị trường lao động. Khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực của Cộng đồng Pháp ngữ, Đại sứ nói rằng Việt Nam hiện đang hợp tác với các đối tác như OIF, Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF) và các cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam, nhằm quảng bá hơn nữa tiếng Pháp cũng như nâng cao sức sống của ngôn ngữ này tại Việt Nam cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Anh Hiển  (TTXVN)
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đánh giá phiên đối thoại báo cáo UPR của đoàn Việt Nam
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đánh giá phiên đối thoại báo cáo UPR của đoàn Việt Nam

Ngày 10/5 (giờ Thụy Sĩ), Nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN