Phó giám đốc Viện Gamaleya, Denis Logunov cho biết kết quả này được đưa ra sau khi tính toán dựa trên thông tin từ các hồ sơ y tế kỹ thuật số và số liệu tiêm phòng. Trước đó, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng vaccine Sputnik V đạt hiệu quả 92% trong phòng chống chủng gốc của virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết vaccine Sputnik V đạt hiệu quả 97,8% trong phòng chống virus SARS-CoV-2 và hiệu quả 100% đối với các ca bệnh nghiêm trọng ở các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
RDIF đưa ra tuyên bố trên sau khi tiến hành phân tích dữ liệu do Bộ Y tế UAE cung cấp vào ngày 8/6, từ 81.000 người được tiêm đủ 2 liều vaccine Sputnik V. RDIF thông báo: "Dữ liệu chính thức về tiêm chủng từ UAE cho thấy Sputnik V đã chứng minh được độ an toàn cao. Đặc biệt, không phát hiện tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau khi tiêm chủng cũng như không có ca phải nhập viện hoặc tử vong liên quan đến tiêm chủng được ghi nhận".
* Cùng ngày, hãng dược Sanofi của Pháp thông báo sẽ đầu tư 2 tỷ euro (2,4 tỷ USD) vào bào chế vaccine ngừa COVID-19 phát triển theo công nghệ mRNA.
Cụ thể, hãng sẽ đầu tư 400 triệu euro/năm từ nay đến năm 2025 để phát triển ít nhất 6 vaccine ngừa COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA. Hãng sẽ thành lập trung tâm công nghệ mRNA với 400 nhân viên tại các phòng thí nghiệm ở thành phố Cambridge (Mỹ) và Marcy-L'Etoile gần thành phố Lyon (Pháp).
Hiện nay trên thế giới các loại vaccine ngừa COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA là vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech và Moderna. Công nghệ này sử dụng mã di truyền RNA để kích hoạt sản sinh các loại protein đột biến nhằm tạo ra đột biến cụ thể của virus SARS-CoV-2. Các tế bào miễn dịch của cơ thể nhận ra protein đột biến là ngoại lai và sẽ bắt đầu xây dựng phản ứng miễn dịch.