Video phóng viên da màu của CNN bị cảnh sát Mỹ bắt khi đang đưa tin trực tiếp biểu tình

Omar Jimenez, một phóng viên da màu của đài CNN và 3 cộng sự đã bị cảnh sát bắt khi đang đưa tin truyền hình trực tiếp về vụ bạo động ở Minneapolis, bùng phát sau khi vụ cảnh sát ghì chết một người da đen.

Chú thích ảnh
Phóng viên da màu Omar Jiminez khi bị cảnh sát chống bạo động còng tay. 

Theo CNN, phóng viên da màu của đài là Omar Jiminez đã bị cảnh sát địa phương còng tay và áp giải đi khi anh cùng nhóm cộng sự đang đưa tin trực tiếp về vụ bạo động ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota. 

Vụ việc xảy ra vào sáng sớm ngày 29/5 (theo giờ địa phương). Trong đoạn video tại hiện trường có thể thấy hai cảnh sát bước tới gần phóng viên Jiminez và nói: "Anh bị bắt". Jiminez bình tĩnh đặt câu hỏi: "Tại sao tôi bị bắt vậy, thưa ngài?". Anh cũng nói với cảnh sát: "Chúng tôi có thể di chuyển đến chỗ các anh muốn", trước khi bị cảnh sát còng tay dẫn đi.

Ngay sau đó, phóng viên ảnh của CNN là Leonel Mendez cho biết anh ta và những người còn lại trong nhóm phóng viên cũng bị bắt giữ. 

Theo phóng viên Jiminez, những cảnh sát bắt giữ anh là thành viên của đội chống bạo động đang có mặt để giải tán những người biểu tình quá khích. 

Xem video cảnh phóng viên Jiminez bị cảnh sát Mỹ còng tay ngay trên sóng trực tiếp (Nguồn: USA Today):

Jiminez và các cộng sự sau đó đã được trả tự do. CNN cho biết Thống đốc bang Minnesota Tim Waltz đã gọi điện cho Chủ tịch của hãng là Jeff Zucker để xin lỗi về sự việc. Ông Waltz cho biết hành động bắt giữ phóng viên là "không thể chấp nhận được", phóng viên Jiminez "rõ ràng là có quyền được ở đó", và ông thật sự lấy làm tiếc về sự cố. Thống đốc Waltz khẳng định ông mong muốn truyền thông có mặt ở Minnesota để đưa tin về các vụ biểu tình.

Theo tờ Guardian, một phóng viên khác của đài CNN là Josh Campbell, một người da trắng, cũng đưa tin từ hiện trường cachs vị trí của Jiminez vài dãy nhà. Anh Campbell cho biết cảnh sát tỏ ra "lịch sự" khi tiếp cận anh và hỏi anh đến từ hãng tin nào.

Chú thích ảnh
Phóng viên CNN bị cảnh sát đưa khỏi khu vực, sau đó anh được trả tự do. Ảnh: CNN

Bà Andrea Jenkins, Phó chủ tịch hội đồng thành phố Minneapolis, cho rằng việc phóng viên Jiminez bị bắt là một ví dụ khác thể hiện sự phân biệt chủng tộc ở địa phương. Bà đã kêu gọi các quan chức thành phố tuyên bố rằng phân biệt chủng tộc là trường hợp khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng.

Làn sóng biểu tình khắp nước Mỹ

Bạo động đã bùng phát liên tiếp mấy ngày qua tại Minneapolis, thủ phủ bang Minnesota sau vụ 4 cảnh sát địa phương khống chế và bắt giữ một người da đen George Floyd hôm 25/5. Một cảnh sát trong nhóm đã dùng đầu gối ghì lên cổ anh này trong vòng gần 8 phút, bất chấp nạn nhân nói rằng mình không thở được. Ông Floyd tử vong trong đêm 25/5. Video về vụ việc được một người qua đường quay lại đã nhanh chóng lan truyền trên mạng internet và khiến cộng đồng nổi giận.

Chú thích ảnh
Hình ảnh nạn nhân Floyd bị cảnh sát Mỹ dùng đầu gối ghì cổ, sau đó tử vong. Ảnh: NBC
Chú thích ảnh
Người biểu tình quá khích đốt phá nhiều toà nhà ở Minneapolis.

Làn sóng bạo loạn ban đầu xuất phát từ Minneapolis đã lan ra nhiều thành phố khác trên khắp nước Mỹ. Theo đài CNN, từ New York City tới Denver, Los Angeles và nhiều thành phố khác, người biểu tình đã xuống đường đòi công lý cho nạn nhân Floyd. 7 người đã bị bắn ở Louisville, bang Kentucky trong cuộc biểu tình trong đêm 28/5.

Chính quyền bang Minnesota đã phải triển khai 500 thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia để vãn hồi trật tự tại hai thành phố Minneapolis và St. Paul sau 3 đêm liên tiếp biểu tình bạo lực, cướp bóc, đốt phá. Lực lượng này luân phiên làm nhiệm vụ suốt đêm, hỗ trợ cảnh sát địa phương và liên bang khôi phục trật tự, đồng thời hỗ trợ các cơ quan dân sự đảm bảo sự an toàn tính mạng người dân và tài sản.

Chú thích ảnh
Lực lượng an ninh triển khai trấn áp bạo loạn tại Minneapolis ngày 29/5/2020. Ảnh: AP 
Chú thích ảnh
Người biểu tình bên ngoài một nhà hàng ăn nhanh bị phóng hoả tại Minneapolis ngày 29/5. Ảnh: AP
Chú thích ảnh
Cảnh sát đối mặt người biểu tình bên ngoài toà nhà Nghị viện bang ở Denver ngày 28/5. Ảnh: AP 
Chú thích ảnh
Biểu tình tại thành phố Columbus, bang Ohio ngày 28/5. Ảnh: Getty Images
Chú thích ảnh
Người biểu tình ngã sau khi trúng hơi cay của cảnh sát ở Memphis, bang Tennessee, ngày 28/5. Ảnh: AP

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Mỹ huy động vệ binh quốc gia vãn hồi trật tự trị an tại bang Minnesota
Mỹ huy động vệ binh quốc gia vãn hồi trật tự trị an tại bang Minnesota

Lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ đã triển khai 500 thành viên tại bang Minnesota để vãn hồi trật tự sau 3 đêm chìm trong biểu tình bạo lực liên quan đến vụ một cảnh sát da trắng tại thành phố Minneapolis sát hạt một người đàn ông da màu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN