Vì sao Đức không chuyển vũ khí cho Ukraine như Anh và Mỹ

Đức lên kế hoạch đưa một cơ sở y tế dã chiến đến Ukraine trong tháng 2 tới nhưng Berlin vẫn dứt khoát không chuyển vũ khí đến quốc gia Đông Âu này như các đồng minh Anh và Mỹ.

Chú thích ảnh
Các thành viên lực lượng tình nguyện của quân đội Ukraine được đào tạo tại một công viên ở Kiev (Ukraine). Ảnh: AP

Kênh Al Jazeera dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngày 23/1 cho biết: “Vào tháng 2, một bệnh viện dã chiến hoàn chỉnh sẽ được bàn giao cho Ukraine bao gồm cả việc đào tạo cần thiết, chi phí do Đức đồng tài trợ với 5,3 triệu euro”.

Bà Lambrecht đồng thời khẳng định Đức sẽ không chuyển vũ khí tới Ukraine. Đại sứ Ukraine tại Đức Andrij Melnyk ngày 22/1 chia sẻ với tờ Handelsblatt rằng Kiev đã đề nghị Berlin hỗ trợ quân sự.

Trong khi đó, lần vận chuyển đầu tiên của gói hỗ trợ an ninh 200 triệu USD từ Mỹ đến Ukraine đã “đặt chân” đến Kiev ngày 22/1. Một số quốc gia vùng Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania sẽ chuyển tên lửa chống tăng và chống chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất đến Ukraine.

Nga trong tháng 1 đã gọi việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine là vô cùng nguy hiểm đồng thời bổ sung rằng động thái này sẽ không giúp giảm căng thẳng.

Vậy lý do nào khiến Đức chọn con đường đi riêng so với các đồng minh trong việc cấp vũ khí cho Ukraine?

Đức và các đồng minh vốn đang gặp khó khăn trong việc thống nhất về phản ứng với các ý định không rõ ràng từ Nga. Cả Mỹ và Anh đều tuyên bố chuyển vũ khí cho Ukraine. Nhưng các quan chức chính phủ Đức bày tỏ lo ngại rằng động thái này có thể đẩy căng thẳng gia tăng và khiến các cuộc đàm phán thêm phần khó khăn.

Trong thỏa thuận liên minh cầm quyền của đảng Dân chủ Tự do (FDP) Đức, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Xanh có thống nhất chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí, trong đó không chấp thuận chuyển vũ khí đến những khu vực khủng hoảng.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế, Đức vẫn duy trì là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới với doanh số tăng 21% từ 2016-2020. Những khách hàng hàng đầu của Đức là Hàn Quốc, Algeria và Ai Cập. Ukraine cũng là một khách hàng của Đức khi vào năm 2020 và nửa đầu năm 2021, Đức thông qua xuất khẩu thiết bị quân sự trị giá 5,8 triệu USD đến quốc gia Đông Âu này.

Ông Marcel Dirsus tại Viện Chính sách An ninh thuộc Đại học Kiel (Đức) nhận định: “Suy nghĩ rằng số vũ khí Đức chuyển giao có thể được sử dụng để tấn công người Nga thực sự gây khó khăn cho nhiều người Đức”.

Việc đề cập đến can thiệp vũ khí và quân sự cũng vô cùng nhạy cảm về chính trị tại Đức. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck chia sẻ rằng vào năm ngoái khi nói rằng ông ủng hộ chuyển vũ khí phòng thủ đến Ukraine, ông đã vấp phải rất nhiều chỉ trích.

Nhiều ý kiến cho rằng trong chiến tranh và xung đột, thiết bị phát triển dành cho mục đích phòng thủ như chống tăng và chống chiến đấu cơ cũng được sử dụng cho mục đích tấn công. Điều mang tính quyết định ở đây không phải là thiết kế ban đầu của vũ khí, mà là ý muốn của người dùng đối với chúng.

Hà Linh/Báo Tin tức
Chuyên gia hàng đầu cảnh báo kinh tế Ukraine bên bờ vực vỡ nợ
Chuyên gia hàng đầu cảnh báo kinh tế Ukraine bên bờ vực vỡ nợ

Một chuyên gia hàng đầu Ukraine đã cảnh báo rằng tình hình tài chính của quốc gia Đông Âu này có thể sớm rơi vào kịch bản tồi tệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN