Theo phóng viên TTXVN tại Đức, ông Thomas Preis, người đứng đầu Phòng Dược sĩ North Rhine-Westphalia (Nordrhein-Westfalen), bang phía Tây nước Đức, cho biết tình hình đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều trong những tháng gần đây và là vấn đề lớn trong các bệnh viện, làm ảnh hưởng đến cả việc chăm sóc bệnh nhân ngoại trú.
Bộ Y tế bang North Rhine-Westphalia xác nhận đã có tình trạng tắc nghẽn nguồn cung. Bộ này cho biết trong nhiều tháng, "các phòng khám ở North Rhine-Westphalia và Đức chỉ tiếp nhận được 80% nhu cầu thuốc" và gần đây con số này đã giảm xuống còn khoảng 50%. Theo Viện Liên bang về Thuốc và Thiết bị Y tế (BfArM), tình hình này sẽ còn tiếp diễn trong nhiều tháng tới.
Các quốc gia EU khác cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu thuốc. Theo một cuộc khảo sát năm 2023 do Nhóm Dược phẩm Liên minh Châu Âu (PGEU) thực hiện, tình trạng thiếu thuốc đã trở nên tồi tệ hơn ở một số quốc gia thành viên, bao gồm Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu thuốc cũng như việc sản xuất thuốc đều rất phức tạp. Đối với Đức, nơi tự hào có các công ty dược phẩm lớn như Bayer, BASF, Boehringer Ingelheim và BioNTech, từng được coi là "nhà thuốc của thế giới", thì nay hoạt động sản xuất thuốc hiện diễn ra trên toàn thế giới nên chuỗi cung ứng dài hơn và dễ bị gián đoạn.
Phần lớn các thành phần hoạt tính hiện được sản xuất tại Trung Quốc và Ấn Độ. Sản xuất hàng loạt và độc quyền đã trở thành trọng tâm để sản xuất thuốc rẻ hơn. Vì vậy, một số nhỏ nhà cung cấp đang sản xuất số lượng ngày càng lớn. Vì bị phụ thuộc vào một vài nhà sản xuất nên nếu một trong số họ bị kẹt là toàn bộ chuỗi cung ứng cũng bị kẹt theo.
Hàng tồn kho ít và sản xuất chỉ vừa kịp đủ dùng càng làm trầm trọng thêm vấn đề vì không thể bù đắp được tình trạng thiếu cung tạm thời trong chuỗi sản xuất. Các chuyên gia cũng cho biết việc bổ sung hàng rất tốn kém. Vận hành các cơ sở lưu trữ thuốc có chi phí rất cao và không bao giờ chắc chắn được thuốc trong kho có bán được hay không do nhu cầu biến động rất lớn.
Vấn đề giá cả cũng rất nghiêm trọng đối với các loại thuốc cùng gốc (generic), chiếm 70 đến 80% nguồn cung dược phẩm cơ bản. Biên lợi nhuận để sản xuất những sản phẩm này cực kỳ thấp. Các nhà sản xuất buộc phải sản xuất với giá rẻ nhất có thể thông qua các thỏa thuận giảm giá và các thỏa thuận khác đã được đưa vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của Đức cách đây nhiều năm.
Mặc dù nhiều người đã lên tiếng về vấn đề này, nhưng sẽ rất khó để đưa hoạt động sản xuất thuốc quay trở lại EU hoàn toàn. Một lý do là sản xuất các hóa chất tinh khiết cần thiết cho các thành phần hoạt tính giờ đây rất phức tạp. Đức đã có luật về môi trường khiến điều này gần như không thể thực hiện được. Ngay cả khi có thể, phải mất ít nhất 5 năm để tái lập các cơ sở sản xuất.