Các thỏa thuận này thường cần có sự hòa giải từ các bên được cả hai phía coi là trung lập, đặc biệt khi không bên nào đủ sức áp đặt kết quả.
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một ứng viên sáng giá dù không hoàn toàn trung lập.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), từng cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine ở giai đoạn đầu xung đột và xây dựng hợp tác chiến lược sâu rộng với Kiev, vượt xa các thương vụ bán thiết bị bay không người lái.
Dẫu vậy, Ankara vẫn duy trì quan hệ gần gũi với Moskva và Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan có mối quan hệ cá nhân thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Nhờ duy trì mối quan hệ tốt với cả Ukraine và Nga, Ankara có thể đảm nhận nhiều vai trò trong xung đột, từ ngoại giao, kinh tế, an ninh đến nhân đạo.
Nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump lựa chọn thúc đẩy con đường ngoại giao để giải quyết xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò quan trọng nhờ vị thế đặc biệt của mình. Là quốc gia NATO ven Biển Đen có tiềm lực nhất, Ankara vừa có mối quan hệ chiến lược với Ukraine vừa duy trì sự gắn kết với Nga.
Đánh giá vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong các cuộc đàm phán
Ngay từ khi xung đột nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực duy trì sự cân bằng ngoại giao dù gặp không ít chỉ trích từ phương Tây. Các sáng kiến của Ankara đã mang lại nhiều kết quả đáng chú ý.
Đầu tiên, vào tháng 3/2022, Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức cuộc họp quan trọng tại Antalya, đưa các ngoại trưởng Nga và Ukraine đến bàn đàm phán. Dù kết quả không khả quan, đây vẫn là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai bên kể từ khi xung đột bắt đầu, minh chứng cho vai trò hòa giải sớm của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nỗ lực đáng chú ý hơn là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vào tháng 7/2022. Sáng kiến này, do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc làm trung gian, thiết lập hành lang vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine giữa bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Thỏa thuận không chỉ giúp giải tỏa khủng hoảng mà còn hỗ trợ nền kinh tế Ukraine trong giai đoạn bất ổn. Ankara cũng đóng vai trò chính trong các cuộc trao đổi tù nhân Nga-Ukraine, qua đó củng cố vị thế trung gian của mình.
Cân bằng lợi ích chiến lược
Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng chiến lược cân bằng khi vừa ủng hộ Ukraine về lãnh thổ và quốc phòng, vừa từ chối cắt đứt quan hệ năng lượng với Nga. Quan điểm này phản ánh cách nhìn của Ankara về một trật tự thế giới đa cực, nơi khuôn khổ khu vực được ưu tiên hơn thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào phương Tây.
Tuy nhiên, một số thách thức có thể cản trở khả năng hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó nổi lên là sự nghi ngờ về tính trung lập. Là một thành viên NATO và đã cung cấp thiết bị quân sự như thiết bị bay không người lái Bayraktar TB2 cho Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ khó được coi là hoàn toàn trung lập.
Moskva có thể phản đối vai trò của Ankara vì sự ủng hộ rõ ràng dành cho Kiev và lập trường coi Crimea, Luhansk, Donetsk là lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, các đồng minh phương Tây có thể không nhiệt tình với việc trao cho Thổ Nhĩ Kỳ vai trò quá lớn trong cuộc xung đột khi chưa rõ ràng về vị thế của nước này trong trật tự an ninh tương lai.
Lợi dụng vị thế để thúc đẩy hòa bình
Dù có thể không trực tiếp làm trung gian, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nên thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm giúp Ukraine khôi phục, củng cố quốc phòng và hội nhập vào kiến trúc an ninh châu Âu.
Ankara có thể tận dụng vai trò của mình để định hình khu vực hậu chiến, tham gia tái thiết Ukraine và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể tạo điều kiện cho một lệnh ngừng bắn bền vững tại Ukraine. Chính quyền Tổng thống đắc cử Trump, với mối quan hệ cá nhân giữa ông và Tổng thống Erdoğan, có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán với Moskva, đồng thời hợp tác trong các dự án năng lượng nhằm giảm phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào dầu khí Nga.
Ở cấp độ chiến lược hơn, việc lực lượng đối lập gần đây lật đổ chính quyền của ông Assad ở Syria tạo ra cơ hội cho Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất các lợi ích khu vực của họ.
Bằng cách phối hợp các chính sách và hoạt động ở Syria, đặc biệt liên quan đến tương lai của chính phủ Syria và miền Bắc Syria, hai nước có thể chuyển hướng sự chú ý và nguồn lực của Nga.
Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đến cách tiếp cận của Moskva đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Với điều đó, Mỹ có thể hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ về các dự án năng lượng để giảm sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào dầu khí của Nga, một yếu tố có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt xung đột.
Cuối cùng, sự đóng góp của Thổ Nhĩ Kỳ vào các cuộc đàm phán sẽ bị hạn chế nếu không có sự rõ ràng về khuôn khổ chiến lược giữa phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vai trò của nước này trong cấu trúc an ninh phương Tây. Vì vậy, một NATO mang tính châu Âu hơn với Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò nổi bật hơn có thể giúp giải quyết sự mơ hồ này.
Một giải pháp ngoại giao cũng đòi hỏi sự rõ ràng về tương lai của Ukraine, động lực an ninh của các nước Biển Đen và vai trò tương ứng của họ trong khuôn khổ an ninh rộng lớn hơn của châu Âu.
Để đạt được điều này sẽ đòi hỏi sự phối hợp chính sách đối ngoại và an ninh chuyên sâu hơn giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh.
Sự hợp tác như vậy là cần thiết không chỉ để đảm bảo hòa bình bền vững ở Ukraine mà còn để cân bằng hiệu quả ảnh hưởng của Nga trong các khu vực chung của Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.