Vai trò của LHQ ở Trung Đông – Bắc Phi: Cần hòa bình để thắng chiến tranh

Hơn 5 tháng kể từ ngày NATO dùng kẽ hở của Nghị quyết 1973 của Liên hợp quốc (LHQ) làm lá chắn tấn công Libi, tất cả dường như đều nhất trí rằng cuộc chiến tại đất nước Bắc Phi đang ở giai đoạn quyết định. Điều quan trọng trong thời kỳ chuyển tiếp sau chiến tranh là thiết lập trật tự, bình ổn và hòa hợp trở lại trên đất Libi cũng như toàn vùng Bắc Phi.

Lẽ ra đã có thể tránh được cuộc chiến tranh mà giờ đây đang để lại những hệ lụy về an toàn và an ninh cho người dân Libi. Hơn lúc nào hết, các tổ chức quốc tế, trước hết là LHQ, cũng như tất cả những ai có trách nhiệm về quân sự và chính trị cần lập tức khởi sự đối thoại và dẹp bỏ bạo lực. Muốn vậy, LHQ phải tăng cường hơn nữa vai trò và tính hiệu quả trong việc giải quyết các cuộc xung đột lớn trên thế giới như ở Trung Đông - Bắc Phi.

Cơ quan gìn giữ hòa bình hay tổ chức nhân đạo?

Trong một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 28/8, các nước thành viên đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của LHQ cũng như sự tham gia ngày càng nhiều của các nước thành viên vào sứ mệnh gìn giữ và kiến tạo hòa bình trong kỷ nguyên hiện tại. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh thế giới cần củng cố các quan hệ đối tác hiện có và vượt qua các chia rẽ đang cản trở sứ mệnh hòa bình để tăng cường sự tham gia của các nước thành viên LHQ, mở rộng đối thoại và chia sẻ hiểu biết chung về mục tiêu vì hòa bình và an ninh thế giới.

Việc tăng cường vai trò của LHQ có thể giúp tránh được những cuộc chiến như đã diễn ra ở Trung Đông – Bắc Phi thời gian qua.
Ảnh: Internet

Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 8/2011, Đại sứ Ấn Độ Hardeep Singh Puri, nhấn mạnh hoạt động gìn giữ hòa bình phải tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, đảm bảo tính trung lập và đặt dưới sự chỉ huy của LHQ, trong đó duy trì những giới hạn chặt chẽ về sử dụng vũ lực.

Không phải ngẫu nhiên mà những tuyên bố mạnh mẽ trên được đưa ra vào thời điểm cực kỳ căng thẳng trên chiến trường Libi. Những nỗ lực của LHQ nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt khủng hoảng ở quốc gia này đã hoàn toàn bế tắc. Bất kể việc luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của LHQ và sự cần thiết thực hiện đầy đủ nghị quyết 1973 của HĐBA về Libi, tổ chức đa phương lớn nhất thế giới vẫn bị chỉ trích rằng một tổ chức quốc tế có nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, ổn định như LHQ lại gần như chỉ đảm nhiệm vai trò của một tổ chức nhân đạo, như Hội Chữ thập Đỏ quốc tế. Vì thế, hơn lúc nào hết, LHQ cần phải chứng tỏ vai trò "người kiến tạo hòa bình" bằng cách tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Libi và cả Trung Đông - Bắc Phi.

Cuộc chiến Libi đang chứng tỏ một thực tế là chiến tranh không giải quyết được gì và khi đã bùng nổ, không ai có thể kiểm soát được nó. Những diễn biến ở Libi, Xyri và một số nước Arập khác cho thấy nhu cầu phải sử dụng mọi vũ khí ngoại giao có thể càng trở nên cấp thiết hơn và phải hỗ trợ những dấu hiệu sẵn sàng dù yếu ớt từ tất cả các bên để tìm ra giải pháp hòa bình và lâu dài cho xung đột.

Vũ khí hòa bình có thể thắng chiến tranh

Các cuộc xung đột trên khắp thế giới đang thay đổi và trong một chừng mực nào đó đang ở vào buổi xế chiều. Lý do chính là nghệ thuật giải quyết xung đột và số người tham gia giải quyết xung đột tăng.

Trong 15 năm qua, cộng đồng thế giới không chỉ học được nhiều hơn về ngăn chặn và chấm dứt xung đột, mà tỷ lệ thành công của các "sứ giả hòa bình" cũng tăng lên. So với thế kỷ 20, ngày nay có nhiều cuộc xung đột được đưa ra bàn đàm phán để kết thúc thay vì bắt đầu một cuộc chiến. Báo cáo năm 2011 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, các cuộc chiến tranh dân sự đang giảm về số lượng. Lý giải cho hiện tượng này, nhà hoạt động hòa bình lâu năm Gareth Evans cho rằng, đó đơn giản là do sự gia tăng các hoạt động quốc tế trong việc ngăn ngừa, quản lý xung đột và kiến tạo hòa bình sau xung đột. Các nhà trung gian hòa giải đã làm việc hiệu quả hơn trong các cuộc đàm phán và LHQ cũng hoạt động hữu hiệu hơn trong công việc gìn giữ hòa bình. Trong những năm 1990, khoảng 45% các thỏa thuận hòa bình bị phá vỡ trong vòng 5 năm, nhưng sang đầu thế kỷ này, tỷ lệ thành công của các hiệp định hòa bình lên tới xấp xỉ 85%.

Một báo cáo mới đây của Viện Kinh tế và Hòa bình (Institute for Economics & Peace) có trụ sở ở Ôxtrâylia đã đưa ra hai chỉ số - gồm chi tiêu quân sự và quan hệ giữa các quốc gia láng giềng - để chứng minh rằng thế giới hòa bình hơn trong năm qua. Mặc dù vậy, vẫn còn sự gia tăng bạo lực, phần lớn do những biến động ở Bắc Phi và Trung Đông, chủ yếu tại Libi, Xyri, Baranh và Yêmen.

Vài ngày trước khi Pháp - Anh quyết định mở chiến dịch không kích Libi, trên thực tế đã có một vài tia hy vọng về một trung gian thực sự, nhưng các quả bom đã làm tiêu tan tất cả. Điều này dường như đang có nguy cơ lặp lại khi tại hội nghị "những người bạn của Libi" ở Pari mới đây, chủ nhà Pháp - nước Ủy viên Thường trực HĐBA LHQ - không đả động gì đến vai trò của LHQ (ở Libi) thời hậu Kadhafi. Nhưng Mátxcơva, vốn không được mời đến dự hội nghị, khẳng định hội nghị này thực tế không đủ tính pháp lý để quyết định tương lai của Libi và tổ chức duy nhất có thể chủ trì hội nghị về số phận của quốc gia Bắc Phi này là HĐBA LHQ.

Hiển nhiên HĐBA không muốn, không thể và cũng không nên đứng ngoài cuộc, có điều cơ quan quyền lực nhất trong LHQ, chính xác là những nước có quyền phủ quyết, cần hành động theo hướng tích cực, xác định đối thoại là cách duy nhất để vãn hồi hòa bình, an ninh và ổn định. Rất nhiều việc đang chờ đợi những ai thực sự muốn thúc đẩy hòa bình.

Nguyệt Ánh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN