Vai trò của Đức trong việc thuyết phục Mỹ tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine

Trong khi Tổng thống Donald Trump do dự với viện trợ Ukraine, Đức bất ngờ dẫn đầu chiến lược thực dụng, khiến Mỹ đổi hướng. Bí mật đằng sau sự đảo chiều này là gì?

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và Thủ tướng Đức Friedrich Merz tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, Washington, D.C., Mỹ, ngày 5/6/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại với lập trường "Nước Mỹ trên hết" và những tuyên bố gây tranh cãi về viện trợ cho Ukraine, câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà các đồng minh châu Âu đã xoay chuyển được tình thế, thuyết phục Washington tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev. Tờ Politico (Mỹ) và hãng thông tấn độc lập UNIAN (Ukraine) ngày 20/7 dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Đức Johann Wadeful tiết lộ rằng, Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã đóng một vai trò "quan trọng" trong quyết định trên của Tổng thống Trump, một động thái được coi là bước ngoặt đáng chú ý trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Vai trò then chốt của Đức và chiến lược "mua vũ khí Mỹ" 

Quan điểm của Tổng thống Trump về việc viện trợ Ukraine ban đầu khá lưỡng lự, thậm chí có phần "nghiêng về phía Nga", đã khiến nhiều đồng minh châu Âu lo ngại. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Wadeful, chính những nỗ lực tích cực và sáng kiến của Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã góp phần lớn vào việc thay đổi lập trường này. Ông Merz đã thể hiện sự ủng hộ rõ ràng đối với Ukraine từ lâu và không ngừng truyền đạt quan điểm của mình tới Tổng thống Trump.

Các cuộc thảo luận trực tiếp giữa ông Merz và Tổng thống Trump tại Nhà Trắng, tại hội nghị thượng đỉnh G7, và thậm chí qua các cuộc điện đàm, đều nhấn mạnh thông điệp rằng "Mỹ đang rất cần thiết vào lúc này" đối với tình hình Ukraine. Bộ trưởng Wadeful bày tỏ sự vui mừng khi các quan chức hàng đầu của Đức đã thiết lập được những mối liên hệ mang tính xây dựng với Tổng thống Trump, cho thấy "tiếng nói của Đức lại bắt đầu được lắng nghe ở Mỹ". Điều này phản ánh một sự thay đổi chiến lược của các nhà lãnh đạo châu Âu: thay vì đối đầu, họ đã học cách làm việc với chính quyền Trump bằng cách khen ngợi và tìm kiếm điểm chung.

Khi Tổng thống Trump từng tuyên bố "thất vọng" với Nga và đưa ra tối hậu thư 50 ngày để Moskva tuyên bố ngừng bắn, nếu không Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp kinh tế cứng rắn như thuế quan 100% đối với hàng nhập khẩu từ Nga và các biện phạt thứ cấp đối với các quốc gia mua dầu Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ tính hiệu quả của những biện pháp này do thương mại Nga - Mỹ hiện rất hạn chế, và các nước nhập khẩu năng lượng chính của Nga như Trung Quốc và Ấn Độ chưa sẵn sàng nhượng bộ trước áp lực từ Mỹ.

Chính trong bối cảnh Tổng thống Trump do dự thực hiện các bước đi cụ thể để tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, các nước châu Âu, đặc biệt là Đức dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Merz cùng với Tổng thư ký NATO Mark Rutte, đã tìm ra một giải pháp thay thế đầy thực tế. Họ nhận thấy rằng sẽ dễ dàng hơn nhiều để Tổng thống Trump đồng ý cung cấp vũ khí cho Ukraine nếu châu Âu tự mua chúng, cho phép Mỹ kiếm được lợi nhuận. Điều này phù hợp với quan điểm của Tổng thống Trump về chính trị toàn cầu như những giao dịch tài chính mang lại lợi ích.

Bằng cách tự mua vũ khí của Mỹ, châu Âu đã tạo cho Tổng thống Trump một "vỏ bọc" để hành động mà không cần phải từ bỏ chủ nghĩa biệt lập trong phong trào MAGA (đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại) của mình hay đối đầu trực tiếp với Nga. 

Một quan chức chính phủ Đức cố vấn cho Thủ tướng Merz đã giải thích rằng chiến lược này "sẽ cho phép chính quyền Mỹ tăng cường áp lực lên Nga và củng cố sự hỗ trợ của nước này đối với Ukraine, đồng thời vẫn cho phép Washington lùi lại một bước so với châu Âu". Cách tiếp cận này còn giúp Tổng thống Trump duy trì một "khoảng cách" nhất định, phù hợp với đặc điểm của những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Thủ tướng Merz cũng khẳng định rằng Đức "sẽ đóng vai trò quyết định" trong nỗ lực cung cấp vũ khí Mỹ cho Ukraine và nhấn mạnh rằng hành động này "vì lợi ích của chính chúng tôi", giúp Kiev tự vệ và gia tăng áp lực buộc Moskva phải đàm phán hòa bình.

Những chia rẽ và sự cấp bách

Tuy nhiên, không phải tất cả các nước châu Âu đều ủng hộ cách tiếp cận này. Pháp, quốc gia mà Tổng thống Emmanuel Macron từ lâu đã thúc đẩy các nước châu Âu xây dựng cơ sở công nghiệp quốc phòng của riêng mình bằng cách mua sắm trong nước, đã vắng mặt đáng chú ý trong danh sách các quốc gia ủng hộ kế hoạch mua vũ khí của Mỹ. Theo hai quan chức Pháp am hiểu vấn đề, Paris sẽ không tham gia sáng kiến này do ưu tiên phát triển năng lực quốc phòng nội địa và những khó khăn trong việc tăng chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh cắt giảm ngân sách.

Mặc dù vậy, xét đến năng lực sản xuất hạn chế của châu Âu, chính phủ Đức tin rằng mua vũ khí Mỹ là một trong những cách duy nhất để nhanh chóng cung cấp cho Ukraine những vũ khí cần thiết, đặc biệt là hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất khi các thành phố của Ukraine hứng chịu nhiều đợt pháo kích dữ dội. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bày tỏ sự đánh giá cao đối với sự sẵn sàng cung cấp thêm tên lửa Patriot và sự hợp tác giữa Mỹ, Đức và Na Uy.

Cách tiếp cận này cũng đánh dấu một bước ngoặt đáng kinh ngạc đối với Thủ tướng Merz, người từng tuyên thệ sẽ "củng cố châu Âu nhanh nhất có thể để từng bước chúng ta có thể thực sự đạt được độc lập" khỏi Mỹ. Nhưng kể từ đó, ông Merz đã thay đổi mạnh mẽ lập trường của mình, nói về niềm tin vào cam kết của chính quyền Trump đối với NATO và tính không thể thiếu của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Điều này cho thấy một phần lớn chính sách thực tế của Đức đang được áp dụng, khi ông Merz nhanh chóng xác định rằng giải pháp ứng phó với Tổng thống Trump thông qua chủ nghĩa thực dụng sẽ là tốt hơn thay vì đối đầu trực tiếp.

Tóm lại, thông qua sự nỗ lực của Đức, các nước châu Âu đã thành công trong việc thuyết phục chính quyền Trump tiếp tục ủng hộ Ukraine. Bằng cách điều chỉnh chiến lược để phù hợp với quan điểm của Tổng thống Trump về các giao dịch tài chính và tạo ra một "vỏ bọc" chính trị cho ông Trump, châu Âu đã đảm bảo được nguồn viện trợ quân sự quan trọng, đồng thời củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong một thời điểm đầy thách thức.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Tướng Đức cảnh báo Liên bang Nga có thể phóng cùng lúc 2.000 UAV tấn công Ukraine
Tướng Đức cảnh báo Liên bang Nga có thể phóng cùng lúc 2.000 UAV tấn công Ukraine

Moskva (Moscow) có thể đang chuẩn bị phóng tới 2.000 thiết bị bay không người lái (UAV) cùng lúc nhằm vào Ukraine, tạo ra thách thức nghiêm trọng đối với hệ thống phòng không của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN