Theo các nguồn tin sở tại, Ủy ban Bầu cử đã nhóm họp sau thông báo của phong trào Tiến bước rằng chiến dịch tranh cử của ông Macron đã bị tin tặc "tấn công mạnh và có sự điều phối", khiến hàng loạt tài liệu nội bộ bị công bố trực tuyến một ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vòng hai. Theo Ủy ban Bầu cử, việc phát tán các thông tin bị khai thác một cách trái phép, có thể bị lồng nghép những thông tin sai lệch, có thể bị coi là phạm tội.
Ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc vận động tranh cử ở Arras (Pháp). Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, nhóm vận động tranh cử của ứng cử viên theo đường lối trung dung Macron đã chỉ trích vụ tấn công mạng nhằm vào chiến dịch tranh cử của ông Macron khi một loạt tài liệu nội bộ đã bị đăng tải lên mạng Internet.
Theo nhóm trên, hàng nghìn thư điện tử, giấy tờ kế toán và các tài liệu nội bộ của nhóm đã bị phát tán trên mạng vào đêm 5/5, đồng thời cho rằng động thái này là hành động gây tổn hại cho phong trào Tiến bước cũng như gây bất ổn cho nền dân chủ Pháp. Khoảng 9 Gigabyte dữ liệu của nhóm vận động tranh cử cho ông Macron đã bị một nhóm có tên EMLEAKS đăng tải lên mạng xã hội vào thời điểm trước khi ứng cử viên Macron và đối thủ là bà Marine Le Pen của phe cực hữu, chính thức bước vào vòng bầu cử quyết định xem ai sẽ trở thành chủ nhân của Điện Elysee vào ngày 7/5 tới.
Nhóm vận động tranh cử của ông Macron cho biết các tài liệu bị đánh cắp cách đây vài tuần khi hộp thư điện tử cá nhân và công việc của một số thành viên phong trào Tiến bước bị tin tặc tấn công. Các trợ lý của ông Macron cho biết các tài liệu bị rò rỉ đều hợp pháp và đều thể hiện công việc thông thường của một chiến dịch tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, các đối tượng đứng sau vụ tấn công đã lồng ghép các thông tin giả nhằm reo rắc sự hoài nghi và đánh lạc hướng dư luận. Các trợ lý của ông Macron cũng cho rằng việc rò rỉ các tài liệu nội bộ của một nhóm vận động tranh cử là chưa từng xảy ra tại một chiến dịch bầu cử của Pháp.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp lần này, ứng cử viên Macron nổi lên như một nhân vật mới theo đường lối trung dung của Pháp. Chính sách đối nội của ông dựa trên việc phủ nhận những đối kháng trước đây trong chính trường Pháp. Ông chủ trương đường lối kinh tế - xã hội tự do. Về đối ngoại, ông cam kết Pháp ở lại Liên minh châu Âu (EU). Theo các cuộc thăm dò dư luận, hiện ông Macron được 60% số cử tri ủng hộ trong khi bà Le Pen được 40%. Các cơ quan xã hội học cho rằng tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm nay sẽ thấp kỷ lục.