Ứng viên thủ tướng Nhật Bản bị chỉ trích vì đăng ảnh vợ đeo tạp dề

Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida, một ứng cử viên kế nhiệm vị trí thủ tướng Nhật Bản, đã bị chỉ trích gay gắt sau khi đăng bức ảnh cho thấy vợ ông đeo tạp dề, phục vụ ông như một người giúp việc.

Chú thích ảnh
Bức ảnh cho thấy vợ ông Fumio Kishida đang phục vụ bữa tối cho ông đã thu hút một cơn bão chỉ trích. Ảnh: Twitter

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), các nhà phê bình cho rằng nếu như trước đây ông Fumio Kishida chỉ có cơ hội mong manh ngồi vào chiếc ghế thủ tướng, thì giờ đây ông đã tự loại mình ra khỏi cuộc đua, sau khi chia sẻ một bức ảnh “ngược đời” của vợ mình trên Twitter.

Hình ảnh được đăng vào tối hôm 31/8 cho thấy chính trị gia mặc vest nghiêm chỉnh ngồi ở bàn ăn. Trong khi đó, vợ ông đeo tạp dề đứng phục vụ. Bức ảnh được đăng kèm chú thích vợ ông vừa vượt qua chặng đường 800km từ quê nhà đến Tokyo để hỗ trợ ông.

Bức ảnh đã tạo ra làn sóng chỉ trích gay gắt khi cuộc đua để trở thành nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đang nóng dần, khi Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga vừa chính thức tuyên bố ứng cử chức Chủ tịch đảng LDP, qua đó để trở thành thủ tướng kế nhiệm ông Shinzo Abe.

“Tôi tưởng bà ấy là người giúp việc”, một người dùng Twitter viết. Một người khác bình luận: “Đây là ông chủ và người hầu gái, hoặc một thực khách và một nhân viên phục vụ”. Một tài khoản khác phẫn nộ: “Tôi cảm thấy tức giận khi nhìn thấy bức ảnh này. Tôi là một người ủng hộ LDP, nhưng nó khiến tôi cảm giác như một người giúp việc đang chờ ông ấy dùng bữa”. 

Một người dùng Twitter khác cho rằng ông Kishida, 63 tuổi, đăng tải bức ảnh với mong muốn tạo dựng hình ảnh của mình và vợ ông cùng dùng bữa như một cặp vợ chồng hạnh phúc, nhưng không ngờ nó lại gây tranh cãi và khiến ông bị chỉ trích.

“Ông Kishida xây dựng hình ảnh bản thân là người đại diện cho các thành phần tiến bộ trong LDP, đại diện cho phe tự do hơn trong đảng, nhưng vụ việc này đã hủy hoại hình ảnh đó. Đây là một quyết định kỳ lạ”, bà Noriko Hama, một chuyên gia kinh tế học tại Đại học Doshisha Kyoto, đánh giá.

Bà Hama nói rằng bức ảnh gây tranh cãi có thể gây bất lợi cho ông Kishida, vì bức ảnh có thể bị coi là ví dụ cho thấy quan điểm của ông đối với phụ nữ. “Điều này sẽ tác động tiêu cực đến các cơ hội trong tương lai của ông ấy trong đảng LDP cầm quyền”, bà nói.

Chú thích ảnh
Cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: AFP

Cựu Ngoại trưởng Kishida 63 tuổi, có gia đình đang sinh sống tại Hiroshima, miền nam Nhật Bản, đã thông báo ý định tranh cử và sẵn sàng kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe. Tuy nhiên, các chuyên gia có chung nhận định ông Kishida đã tự tay phá bỏ cơ hội của bản thân trong cuộc chạy đua vị trí lãnh đạo LDP, dù rằng khả năng chiến thắng của ông vốn cũng không cao.

Thủ tướng Abe từng nhắc đến ông Kishida là người kế nhiệm tiềm năng và ca ngợi nỗ lực của ông trong việc hiện thực hóa chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hiroshima hồi năm 2016. Ông cũng được ghi nhận về đóng góp trong việc đạt thỏa thuận với Hàn Quốc hồi năm 2015 nhằm chấm dứt mâu thuẫn xoay quanh vấn đề gây tranh cãi là phụ nữ giải khuây thời chiến. Tuy vậy, ông Kishida bị nhận xét là người thiếu thu hút và cũng không được ủng hộ rộng rãi trong nội bộ LDP, đặc biệt là các nghị sĩ trẻ tuổi hơn, theo Nikkei Asian Review.

Trong khi đó, ngày 2/9, một ứng viên được đánh giá nặng ký khác, cộng sự hàng đầu của ông Abe, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, 71 tuổi, đã chính thức tuyên bố ý định ứng cử vào vị trí Thủ tướng Nhật Bản và kế nhiệm ông Abe. Ông Suga cũng được các phe phái chủ chốt trong nội bộ LDP tín nhiệm, cho thấy họ sẽ trao cho ông đủ số phiếu để giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 14/9 sắp tới của đảng này.

Ông Suga cam kết “sẽ cố gắng hết sức mình để tiếp tục công việc của Thủ tướng Abe, người đã dốc hết tinh thần và sức lực cho công việc”.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Suga nói rằng ông muốn đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Nhật Bản sau sự ra đi bất ngờ của ông Shinzo Abe nhằm tránh để xảy ra khoảng trống quyền lực, ở thời điểm nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang chống chọi với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trước đó, vào chiều ngày 28/8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã triệu tập phiên họp chính phủ và công bố quyết định từ chức với các thành viên nội các. Thủ tướng Abe, năm nay 65 tuổi, quyết định từ chức liên quan tới vấn đề sức khỏe. Ông Abe là thủ tướng cầm quyền lâu nhất tại Nhật Bản và cũng là một chính khách có nhiều ảnh hưởng tới chính sách đối nội-đối ngoại của "đất nước Mặt Trời mọc".

Hải Vân/Báo Tin tức
Thêm một ứng cử viên tiềm năng rút khỏi cuộc đua vào chiếc ghế thủ tướng Nhật Bản
Thêm một ứng cử viên tiềm năng rút khỏi cuộc đua vào chiếc ghế thủ tướng Nhật Bản

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 1/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho biết ông đã quyết định sẽ không ra tranh cử trong cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền để chọn người kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe, người đã từ chức hôm 28/8 vì lý do sức khỏe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN