UNESCO công nhận Palextin:Dư luận chỉ trích Mỹ,ủng hộ Palextin

Sau khi Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Palextin là thành viên đầy đủ, nhiều nước đã chúc mừng thắng lợi mới của Palextin và hoan nghênh quyết định của UNESCO, trong khi Mỹ, Canađa và Ixraen lại phản ứng quyết liệt.

Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova (giữa) công bố kết quả bỏ phiếu công nhận Palextin là thành viên đầy đủ của tổ chức này ở Pari (Pháp).

Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas đã hoan nghênh quyết định của UNESCO và xem đây là một "chiến thắng của công lý, công bằng và tự do". Bộ trưởng Văn hóa Palextin Siham al-Barghouti cũng nhấn mạnh đây là "thành công lớn đối với nhân dân và lãnh đạo Palextin", qua đó sẽ giúp bảo vệ các di sản văn hóa của Palextin. Đặc phái viên Palextin tại Liên hợp quốc, ông Ibrahim Khraishi, cho rằng sự kiện này mở đường cho Palextin gia nhập các tổ chức khác của Liên hợp quốc.

Hòa chung với niềm vui của các lãnh đạo Palextin, Bộ trưởng Ngoại giao Các tiểu vương quốc Arập (UEA), ông Anwar Mohammed Gargash, ngày 2/11 đã hoan nghênh việc Palextin chính thức trở thành thành viên đầy đủ của UNESCO. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran cũng coi quyết định của UNESCO là một dấu hiệu cho thấy quốc tế ủng hộ quyền của người Palextin.

Trái lại, chính quyền Mỹ đã phản ứng gay gắt, tuyên bố sẽ ngừng đóng góp khoản tiền 60 triệu USD cho các hoạt động của UNESCO dự kiến trong tháng 11/2011. Tuy vậy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, Mỹ vẫn duy trì quy chế thành viên của mình tại UNESCO.

Hành động trên của Mỹ đã bị Bôlivia chỉ trích mạnh mẽ. Tổng thống Bôlivia Evo Morales nói: "Tại sao Mỹ có thể phản đối quyết định này của UNESCO. Nếu Ixraen ném bom và xâm chiếm Palextin, liệu quân đội Mỹ có sang Ixraen chấm dứt hành động đó?". Bôlivia đã công nhận Palextin là một nhà nước độc lập từ tháng 12/2010 và chấm dứt quan hệ ngoại giao với Ixraen từ tháng 1/2009.

Canađa cũng nối gót Mỹ khi quyết định cắt tiền hỗ trợ UNESCO. Bộ trưởng Ngoại giao Canađa, John Baird bày tỏ sự thất vọng và cho biết nước này sẽ ngừng các khoản đóng góp tự nguyện cho UNESCO với lý do rằng quyết định công nhận Palextin của UNESCO không mang lại những lợi ích cho hòa bình ở Trung Đông. Tuy nhiên, Canađa vẫn tiếp tục đóng góp các khoản bắt buộc theo nghĩa vụ pháp lý với UNESCO, trong đó có khoản 12 triệu USD tới năm 2014 theo như kế hoạch chi tiêu mà Bộ Ngoại giao đã trình quốc hội.

Sau phản ứng của Mỹ và Canađa, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi quốc tế hành động nhằm duy trì việc tài trợ cho UNESCO. Ông cho rằng cần phải tìm ra các giải pháp thực tế để duy trì nguồn tài chính của UNESCO. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton cũng cho rằng cần phải tìm cách tránh những hậu quả gây thiệt hại cho hoạt động của UNESCO.

Để phản đối UNESCO, Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu ngày 2/11 đã kêu gọi xây dựng một loạt khu nhà định cư mới ở Bờ Tây và Jerusalem. Văn phòng của ông Netanyahu đã ra lệnh xúc tiến nhanh chóng việc xây dựng 2.000 căn nhà ở Đông Jerusalem. Ngoài ra, ông Netanyahu cũng đã triệu tập một cuộc họp với 8 thành viên nội các để thảo luận các biện pháp trừng phạt nhằm vào Palextin.

Hành động này đã khiến giới chức Palextin phản ứng giận dữ. Ngày 2/11, người phát ngôn của tổng thống Palextin, ông Nabil Abu Rudeina, kêu gọi Nhóm bộ tứ về Trung Đông và chính quyền Mỹ chấm dứt hành động liều lĩnh này vì nó sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho cả khu vực. Cùng ngày, Anh, Pháp và Đức cũng lên án động thái này của Ixraen, kêu gọi nước này ngừng ngay lập tức việc xây dựng khu tái định cư ở Đông Jerusalem và trở lại bàn đàm phán.

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN