Tên lửa được phóng từ Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang IntelliNews ngày 3/7, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đã quyết định tạm hoãn chuyển giao các lô tên lửa phòng không và đạn dược để rà soát lại kho dự trữ quốc gia. Nhà Trắng khẳng định động thái này nhằm “đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết” nhưng vẫn cam kết duy trì mức hỗ trợ cần thiết cho Ukraine.
Theo tờ Wall Street Journal, trước đó, một số lô vũ khí đã được tập kết tại Ba Lan để chuẩn bị chuyển cho Ukraine cũng bị yêu cầu tạm dừng và đưa trở lại Mỹ. Trong số này có nhiều tên lửa đánh chặn Patriot, hàng nghìn quả đạn pháo 155mm, hơn 100 tên lửa Hellfire, hơn 250 hệ thống tên lửa dẫn đường GMLRS, cùng các loại tên lửa Stinger, AIM và súng phóng lựu.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ gián đoạn viện trợ vũ khí cho Ukraine. Hồi đầu năm nay, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump cũng từng ra lệnh tạm ngừng hỗ trợ nhưng sau đó đã điều chỉnh quyết định dưới áp lực từ các cố vấn an ninh. Việc tạm hoãn lần này diễn ra trong bối cảnh nhiều báo cáo cho thấy Ukraine đang đối mặt nguy cơ cạn kiệt đạn phòng không, làm gia tăng rủi ro trước các đợt tấn công quy mô lớn từ phía Nga.
Bộ Ngoại giao Ukraine cảnh báo việc chậm trễ viện trợ quân sự sẽ càng khuyến khích Moskva kéo dài xung đột. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ hoan nghênh quyết định của Mỹ, cho rằng điều này sẽ “giúp chiến dịch quân sự đặc biệt kết thúc sớm hơn”.
Trước tình hình trên, các đồng minh châu Âu tiếp tục nỗ lực trấn an Kiev. Tổng Thư ký NATO Mark Rutte, sau hội nghị thượng đỉnh tại The Hague, nhấn mạnh Ukraine vẫn rất cần sự hỗ trợ vũ khí từ Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực phòng không. Ông thừa nhận các cam kết hỗ trợ quốc phòng của châu Âu, dù đã đạt gần 45 tỷ USD, vẫn chưa thể bù đắp hoàn toàn vai trò quan trọng của Mỹ trong ngắn hạn.
Một số chuyên gia nhận định quyết định của Washington phần nào xuất phát từ việc ưu tiên phân bổ khí tài cho các điểm nóng khác, đặc biệt sau xung đột gần đây giữa Israel và Iran khiến Mỹ phải điều chuyển một phần kho đạn Patriot sang Trung Đông.
Trong bối cảnh đó, Ukraine cùng các đối tác châu Âu đã đẩy mạnh kế hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng ngay trong nước. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết hiện nay Ukraine đã tự sản xuất được khoảng 40-50% nhu cầu vũ khí, chủ yếu là các trang thiết bị đơn giản, trong khi những khí tài phức tạp như Patriot, HIMARS hay ATACMS vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung từ phương Tây.
Nhiều tập đoàn quốc phòng lớn của Đức, Séc, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Latvia và một số nước NATO đã và đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất vũ khí tại Ukraine theo “mô hình Đan Mạch”. Tuy nhiên, các dự án này được dự báo sẽ cần ít nhất một năm để có thể đi vào vận hành đầy đủ.
Mới đây, Berlin đã cam kết tài trợ sản xuất hơn 500 UAV tấn công AN-196 cùng các loại vũ khí tầm xa tại Ukraine. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng các loại UAV này khó có thể thay thế hiệu quả vai trò của các hệ thống phòng không hiện do Mỹ cung cấp trong việc ngăn chặn các đợt tập kích tên lửa quy mô lớn của Nga.
Hiện chưa rõ khi nào Mỹ sẽ nối lại việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine cũng như mức độ ảnh hưởng của quyết định tạm ngưng này đối với cục diện xung đột, nhất là khi Nga được cho là đang chuẩn bị mở rộng các đợt tấn công mới ở miền Đông Ukraine trong mùa hè này.