Ông Oleg Usenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, mới đây cảnh báo rằng một loạt thỏa thuận mới thúc đẩy hợp tác năng lượng giữa Hungary với Nga sẽ chỉ khiến cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài, đồng thời kêu gọi Brussels ngăn chặn các thỏa thuận này.
Ông Oleg Usenko nêu rõ: "Mua thêm khí đốt từ Nga có nghĩa là Hungary đang trao cho Moskva nhiều khả năng hơn để kéo dài xung đột".
Trước đó hôm 11/4, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó đã ký loạt thỏa thuận năng lượng mới tại Moskva, trong đó có một thỏa thuận với tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga để tăng nhập khẩu khí đốt.
Budapest đã nhận được 4,5 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm theo hợp đồng dài hạn hiện có với Gazprom và thỏa thuận mới sẽ cho phép giao khối lượng thậm chí còn lớn hơn nếu cần. Giá khí đốt sẽ được giới hạn ở mức 150 euro mỗi mét khối.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau lễ ký kết, ông Szijjártó nói: “An ninh nguồn cung năng lượng của Hungary đòi hỏi phải liên tục vận chuyển khí đốt, dầu mỏ và nhiên liệu hạt nhân. Để đáp ứng các điều kiện này, hợp tác năng lượng Hungary - Nga phải không bị gián đoạn. Nó không liên quan gì đến các ưu tiên chính trị".
Tại Moskva, hai bên cũng nhất trí rằng Nga sẽ tiếp tục vận chuyển dầu qua đường ống dẫn đến Hungary, đồng thời thực hiện các điều chỉnh đối với hợp đồng mà theo đó Nga đang nâng cấp nhà máy điện hạt nhân Paks của Hungary. Nhân dịp này, Ngoại trưởng Szijjártó đã lên án những nỗ lực bất hợp pháp nhằm ngăn chặn hợp tác hạt nhân giữa Hungary và Nga.
Tuy nhiên, những thỏa thuận trên cần được Brussels chấp thuận và ông Szijjártó tuyên bố: "Chúng tôi hy vọng Ủy ban châu Âu không muốn đặt nguồn cung cấp năng lượng dài hạn của Hungary vào rủi ro".
Ngược lại, ông Usenko muốn Liên minh châu Âu (EU) can thiệp và gây mọi áp lực có thể đối với Hungary để ngăn nước này tăng nhập khẩu năng lượng Nga. Ông Usenko nhấn mạnh: “Hungary đang nhận hỗ trợ tài chính từ Brussels, vì vậy đây là một công cụ tuyệt vời có thể được sử dụng ngay lập tức".
EU đã áp đặt lệnh cấm vận dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga và một số mặt hàng xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch khác, nhưng dầu thô vận chuyển bằng đường ống cũng như khí đốt tự nhiên không bị trừng phạt.
Lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho các nước như Đức, Ba Lan và Phần Lan đã giảm xuống bằng 0, trong khi lượng khí đốt tới các thị trường khác giảm mạnh. Tính đến tháng 11 năm ngoái, Moskva chỉ cung cấp khoảng 13% khí đốt tự nhiên của EU, giảm so với 36% vào tháng 2 năm ngoái. Tuy nhiên, Hungary là một ngoại lệ, nhận khoảng 80% lượng khí đốt từ Nga.