Cuộc chiến tại Ukraine đã bước sang tháng thứ tư. Giới chức phương Tây vẫn đang thảo luận để tìm ra các công thức nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn. Nhượng bộ mà Ukraine phải chấp nhận, trong đó có vấn đề chủ quyền lãnh thổ, có thể là một nhân tố trong thỏa thuận hòa bình.
Bất chấp việc quân đội Nga nối lại các đòn tấn công nhằm vào Kharkov và nhiều khu vực ở miền đông Ukraine, Moskva đã phải hứng chịu tổn thất về binh sỹ, vũ khí trang bị. Thực tế này đặt ra câu hỏi liệu Nga có thể duy trì đà tiến của chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng trong thời gian bao lâu.
Ba Lan, Mỹ và Anh – ba đồng minh ủng hộ Kiev mạnh mẽ nhất, đều lên tiếng cổ súy cho luồng quan điểm không nhượng bộ trước hành động can dự của Nga. Một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) đề cập đến ý tưởng tạo cho Nga lối thoát, giúp Moskva có điều kiện biện minh cho bước đi xuống thang xung đột để thỏa mãn dư luận trong nước. Riêng Italy đưa ra bản kế hoạch hòa bình, trong đó có nói đến quyền tự trị của Crimea và Donbass thuộc Ukraine.
Cựu Ngoại trưởng, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger có cách tiếp cận gây tranh cãi. Ông cho rằng Ukraine nên chấp nhận để một phần lãnh thổ thuộc về nga, coi đây là một phần trong đàm phán hòa bình.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ ngày 23/5, ông Kissinger nhìn nhận lý tưởng nhất là khôi phục lại đường phân giới nguyên trạng như trước cuộc chiến. “Tình trạng trước cuộc chiến" (status quo ante) này được hiểu là việc Ukraine chấp nhận để Nga làm chủ bán đảo Crimea và hai khu vực Lugansk và Donetsk.
Tổng thống Zelensky đã kịch liệt bác bỏ quan điểm này của ông Kissinger. Nhà lãnh đạo Ukraine mô thay vì đề cập đến bối cảnh năm 2022, cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ lại khiến cử tọa nhớ đến tiến trình năm 1938 - thời điểm chuẩn bị nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ hai, với việc nhiều nước tìm cách làm thỏa mãn yêu sách của Đức.
Xuất hiện trên kênh Youtube ngày 25/5, ông Oleksiy Arestovych - cố vấn Tổng thống Ukraine, tuyên bố ý tưởng nhượng lãnh thổ là “điên rồ”. “Họ quả là mất trí khi đưa ra luận điểm đó, đòi Ukraine phải nhượng một phần lãnh thổ. Trẻ em thiệt mạng, nhiều binh sỹ vẫn đang mang mảnh đạn găm trong người. Ấy vậy mà họ lại yêu cầu chúng tôi hy sinh lãnh thổ. Sẽ không bao giờ có chuyện đó”, ông Arestovych nói.
Giới ngoại giao và chuyên gia phân tích quân sự nhận định leo thang giao tranh ở khu vực Donbass miền Đông khiến cả Nga và Ukraine đều không có ý định tìm kiếm một lệnh ngừng bắn trong thời gian ngắn tới đây. Hai bên đều cho rằng dịch chuyển trên chiến trường có thể sẽ tạo ra ưu thế trong tiến trình đàm phán trong tương lai.
Theo Bill Taylor, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga và hiện là chuyên gia phân tích tại Viện Hòa bình Mỹ (USIP), đề xuất của ông Kissinger liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của Ukraine là không phù hợp. Ukraine sẽ không sẵn sàng nhượng bộ, không từ bỏ tuyên bố chủ quyền, sẵn sàng chiến đấu để có được chiến thắng và đó là điều Mỹ nên trợ giúp Ukraine.
Về phần mình, Moskva hy vọng Kiev sẽ chấp nhận các yêu sách mà Nga đề ra. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 26/5 cho biết đó không phải là vấn đề nhượng bộ lãnh thổ. Đơn giản, Ukraine phải chấp nhận tình hình thực tế và đưa ra đánh giá thấu đáo.
Trên thực địa, xung đột ở miền đông Ukraine có bước leo thang. Quân đội Nga trong ngày 26/5 mở lại các cuộc tấn công nhằm vào thành phố Kharkov, với nhiều đợt pháo kích dồn dập. Nga cũng pháo kích nhằm vào lực lượng quân đội Ukraine đóng tại khu vực Mykolayiv và Dnipropetrovsk. Phía Nga tìm cách siết chặt vòng vây tại hai thành phố Lysychansk và Severodonetsk ở tỉnh Luhansk, đánh bật lực lượng Ukraine hiện vẫn kiểm soát một số vùng ở cực tây Donbass.