Ukraine chuyển hướng ưu tiên an ninh khi ông Trump thúc đẩy đàm phán

Kiev giờ đây coi việc đảm bảo chống lại hành động chiếm thêm lãnh thổ là quan trọng hơn, thay vì xác lập lại đường biên giới cũ, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể đẩy nhanh tiến độ cho một lệnh ngừng bắn.

Chú thích ảnh
Ngày 3/6/2024, Italy cho biết nước này sẽ gửi hệ thống phòng không SAMP/T thứ hai cho Ukraine sau khi Kiev kêu gọi các nước phương Tây tăng cường hỗ trợ cho quốc gia này. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong nhiều tháng qua, giới chức Ukraine đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ sẽ không chấp nhận mất vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát trong bất kỳ giải pháp hòa bình nào. Nhưng hiện tại, khi Ukraine cân nhắc một lịch trình đàm phán được đẩy nhanh do động lực từ chiến thắng của Tổng thống đắc cử Trump, họ đang coi trọng hơn về việc đạt được các đảm bảo an ninh trong tương lai cũng như việc xác định ranh giới ngừng bắn cuối cùng có thể nằm ở đâu.

Đàm phán tiềm năng sẽ không phụ thuộc vào ranh giới lãnh thổ?

Với việc các lực lượng Ukraine liên tục mất đi lợi thế ở tiền tuyến phía Đông, hai quan chức cấp cao nước này cho biết việc bảo vệ lợi ích của Ukraine trong các cuộc đàm phán tiềm năng sẽ không phụ thuộc vào ranh giới lãnh thổ, thường được xác định bởi giao tranh, mà phụ thuộc vào những đảm bảo nào được đưa ra để duy trì lệnh ngừng bắn.

"Các cuộc đàm phán nên dựa trên các đảm bảo" - ông Roman Kostenko, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Tình báo Quốc hội Ukraine cho biết - "Đối với Ukraine, không có gì quan trọng hơn".

Một quan chức cấp cao xin giấu tên của Ukraine đã nói trực tiếp hơn: "Vấn đề lãnh thổ cực kỳ quan trọng, nhưng đó vẫn là câu hỏi thứ hai. Câu hỏi đầu tiên là đảm bảo an ninh".

Ukraine thiết lập đường biên giới dựa trên tuyên bố độc lập năm 1991. Theo ông Kostenko, kể từ đó, Nga đã giành được quyền kiểm soát khoảng 20% đất đai của Ukraine, nhưng Kiev sẽ không chính thức từ bỏ yêu sách của mình đối với bất kỳ lãnh thổ nào đang bị Nga chiếm giữ.

Có vẻ như đó là cách tiếp cận mà Ukraine đang thực hiện để biện minh cho bất kỳ thỏa thuận nào có thể có mà Nga sẽ giữ quyền kiểm soát đất đai của Ukraine. Hồi tháng 10, khi thảo luận về lệnh ngừng bắn, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nói rằng: "Mọi người đều hiểu rằng bất kể chúng ta đi theo con đường nào, về mặt pháp lý, sẽ không ai công nhận các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng là thuộc về các quốc gia khác".

Sự hoài nghi trước cam kết của Nga về một giải pháp đã ăn sâu vào Ukraine, đất nước đã có kinh nghiệm cay đắng với các lệnh ngừng bắn ở miền Đông vào năm 2014 và 2015. Các lệnh ngừng bắn đó đã không ngăn chặn được giao tranh âm ỉ trong 8 năm cho đến khi Nga phát động chiến dịch tấn công Ukraine vào tháng 2/2022.

Các quan chức ở Kiev đã tìm kiếm tư cách thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như một sự đảm bảo chống lại các cuộc tấn công mới từ Nga. Các quan chức phương Tây đã ra hiệu rằng họ muốn Ukraine gia nhập NATO, nhưng không phải theo một thời gian biểu được đẩy nhanh, mà vẫn phải đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn.

Các quan chức ở Kiev cũng cho biết rằng một kho vũ khí thông thường mạnh mẽ - do phương Tây cung cấp - sẽ cho phép Ukraine nhanh chóng phản công, đóng vai trò là biện pháp ngăn chặn việc tiếp tục các cuộc giao tranh.

Bảo đảm an ninh cho Ukraine - vấn đề gai góc!

Bảo đảm an ninh, chứ không phải lãnh thổ, được coi là vấn đề gai góc nhất trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Khi Ukraine và Nga tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình vào năm 2022, cuối cùng Nga đã phản đối thành phần quan trọng của thỏa thuận được đề xuất: một thỏa thuận ràng buộc các quốc gia khác phải bảo vệ Ukraine nếu nước này bị tấn công lần nữa.

Nga từ lâu đã nói rằng họ coi việc Ukraine gia nhập NATO là không thể chấp nhận được. Họ đã ám chỉ rằng động thái như vậy sẽ phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời cũng ám chỉ rằng họ sẽ giữ quyền kiểm soát lãnh thổ mà họ đã chiếm được ở Ukraine.

Các cuộc thảo luận về một giải pháp tiềm năng đã nóng lên kể từ cuộc bầu cử Mỹ trong tuần trước, với chiến thắng thuộc về ông Trump - người đã tuyên bố sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán ngay lập tức. Đó là sự thay đổi so với lập trường lâu nay của chính quyền Biden rằng thời điểm và các điều khoản của bất kỳ giải pháp nào nên do Ukraine quyết định. Ông Trump đã công khai tỏ ra nghi ngờ về việc tiếp tục viện trợ của Mỹ cho Ukraine và tuyên bố ông có thể chấm dứt chiến tranh “trong một ngày”, dù không nói rõ bằng cách nào.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần miêu tả Ukraine là bên không nhượng bộ trong các cuộc đàm phán hòa bình, đồng thời ám chỉ đến các điều khoản giải quyết. Các quan chức Ukraine và phương Tây coi lập trường của ông Putin là yêu cầu Kiev đầu hàng.

Điều kiện về tỉnh Kursk

Một vấn đề cấp bách đối với bất kỳ lệnh ngừng bắn nào dọc theo mặt trận là việc Ukraine chiếm một số khu vực của tỉnh Kursk, ở phía Tây Nam nước Nga. Kiev coi vùng lãnh thổ này là một con bài mặc cả tiềm năng trong các cuộc đàm phán, nhưng ở Moskva, việc Ukraine phải rút khỏi Kursk được coi là điều kiện tiên quyết để bắt đầu đàm phán.

Xem video được công bố ngày 13/11/2024 bởi ông Denis Pushilin, lãnh đạo khu vực Donetsk do Liên bang Nga bổ nhiệm cho thấy cảnh đổ nát của Vuhledar, nơi không còn ngôi nhà nào nguyên vẹn. Thị trấn ở miền Đông Ukraine này đã bị lực lượng Liên bang Nga chiếm giữ vào tháng 10 sau hai năm giao tranh ác liệt với quân đội Ukraine. Nguồn: Reuters

Các quan chức Mỹ cho biết khoảng 50.000 quân Nga và lực lượng từ nước thứ ba đã tập trung tại Kursk để chuẩn bị cho một cuộc phản công nhằm đẩy binh sĩ Ukraine ra khỏi đất Nga.

Nếu người Ukraine bị đẩy khỏi Kursk, Nga có thể chấp nhận lệnh ngừng bắn dọc theo mặt trận vào mùa xuân năm sau - Konstantin Zatulin, một nhà lập pháp trong đảng chính trị của ông Putin, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 11/11. "Mọi thứ sẽ dựa trên sự thật. Mọi thứ chúng ta có đều là của chúng ta; mọi thứ Ukraine có đều là của Ukraine", ông Zatulin nói.

Đối với một số người theo đường lối cứng rắn ở Moskva, các điểm tranh chấp, bao gồm cả các yêu sách lãnh thổ, khiến viễn cảnh ngừng bắn vào mùa xuân năm sau trở nên khó xảy ra.

Các quan điểm của đội ngũ ông Trump

Hiện nay, có những phe phái đối địch trong quỹ đạo của ông Trump đã bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau về Ukraine. Một lập trường do JD Vance, Phó tổng thống Mỹ đắc cử, đưa ra phần lớn phù hợp với các điểm thảo luận của Điện Kremlin. Cựu ngoại trưởng Mike Pompeo thì ủng hộ sự hỗ trợ quân sự mạnh mẽ hơn những gì chính quyền Biden đã cung cấp.

Có lẽ manh mối chi tiết nhất về quan điểm của ông Trump xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7 với Fox News.

"Tôi sẽ nói với ông Zelensky, không như thế nữa - ông phải đạt được một thỏa thuận", ông Trump phát biểu, "Tôi sẽ nói với Putin, nếu ông không đạt được thỏa thuận, chúng tôi sẽ cấp cho ông ấy (Zelensky) rất nhiều".

Ông Trump và ông Zelensky đã trao đổi vào tuần trước, nhưng không bên nào công khai những gì đã thảo luận.

Trước đó, ông Zelensky đã kêu gọi sự ủng hộ ở Mỹ và các quốc gia châu Âu cho cái mà ông gọi là chiến lược "hòa bình thông qua sức mạnh", sẽ củng cố quân đội Ukraine và có khả năng cải thiện vị thế của nước này trên chiến trường trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu.

Nhưng kế hoạch của Ukraine chỉ là một trong số nhiều cách tiếp cận, bao gồm đề xuất của Trung Quốc và Brazil và một đề xuất khác của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết vấn đề an ninh cho hoạt động vận chuyển trên Biển Đen nhưng có thể được mở rộng để bao gồm các vấn đề khác.

Hiện tại, Ukraine đang mất dần lợi thế nhanh chóng trên chiến trường. Nga đã mài giũa một chiến thuật hiệu quả dù chịu tổn thất là tiến công thông qua các cuộc tấn công bộ binh nhỏ, để giành lấy đất đai. Với quá ít binh lính, Ukraine đã phải điều chuyển quân giữa các điểm nóng trên mặt trận để ngăn chặn sự sụp đổ của các tuyến phòng thủ.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)
Báo Anh: Ukraine có thể chế tạo bom hạt nhân trong ‘vài tháng nữa'
Báo Anh: Ukraine có thể chế tạo bom hạt nhân trong ‘vài tháng nữa'

Trong khi chờ động thái tiếp theo của chính quyền Donald Trump về viện trợ chiến tranh, Ukraine được cho là chỉ còn “vài tháng nữa” để chế tạo bom hạt nhân để nhằm vào Liên bang Nga với sức công phá tương tự quả bom "Fat Man" mà Mỹ ném xuống Nagasaki.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN