Việc mở lại kết nối hàng không với UAE sẽ đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh Qatar sẽ tổ chức Vòng chung kết Giải Vô địch bóng đá thế giới - World Cup vào năm sau.
Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần thứ 41 ngày 5/1 ở Saudi Arbia, Riyadh và 3 quốc gia đồng minh, gồm UAE, Bahrain và Ai Cập, đã nhất trí khôi phục hoàn toàn quan hệ với Qatar. Saudi Arabia và Qatar sau đó nhất trí mở lại không phận, biên giới trên biển và đất liền.
Tuy nhiên, tại họp báo trực tuyến ngày 7/1, Quốc vụ khanh phụ trách ngoại giao UAE Anwar Gargash cho biết các nước Arab từng tẩy chay Qatar có thể sớm nối lại hoạt động đi lại và giao thương với Doha, nhưng các vấn đề khác như khôi phục toàn bộ quan hệ ngoại giao sẽ cần nhiều thời gian do giữa các bên còn nhiều khác biệt cần giải quyết và xây dựng lại lòng tin, trong đó bao gồm các vấn đề địa chính trị như tình hình Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm Hồi giáo như tổ chức Anh em Hồi giáo (MB).
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã ca ngợi bước đột phá giữa các quốc gia Arab vùng Vịnh và Qatar và nhận định động thái khôi phục quan hệ cũng như dỡ bỏ các hạn chế là "rất có lợi" cho khu vực.
Trao đổi với các phóng viên tại thủ đô Ankara, Tổng thống Tayyip Erdogan nói: "Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận này là rất thích hợp, đặc biệt là đối với vùng Vịnh. Điều này rất có lợi. Chúng tôi hy vọng rằng vị thế của chúng tôi trong hợp tác vùng Vịnh sẽ được thiết lập lại. Điều này sẽ làm cho hợp tác vùng Vịnh mạnh mẽ hơn".
Thổ Nhĩ Kỳ, có căn cứ quân sự ở Qatar, đã hỗ trợ đồng minh này kể từ khi các nước Arab nói trên cắt quan hệ với chính quyền Doha.
Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar từ giữa năm 2017 và áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với quốc gia vùng Vịnh này sau khi cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố. Tuy nhiên, Qatar liên tục bác bỏ mọi cáo buộc.